Trên tay FSP Hyper 500W: Bộ nguồn máy tính giá mềm dành cho các bạn xài GTX 1080/1070

Trên tay FSP Hyper 500W: Bộ nguồn máy tính giá mềm dành cho các bạn xài GTX 1080/1070

FSP Hyper 500 W là một bộ nguồn có giá 1,3 triệu đồng, tương đối mềm, mà vẫn tích hợp đầy đủ các công nghệ và công suất cần thiết để giúp bạn có thể vận hành ổn định hệ thống máy tính Broadwell/Skylake cùng card khủng như GTX 1070/1080. Dĩ nhiên, điều kiện ở đây là bạn chỉ dùng mặc định bình thường mà không ham hố ép xung.

Thông tin về FSP Hyper 500 W

Hyper 500 W thuộc dòng nguồn tầm trung của hãng FSP, một thương hiệu chuyên về nguồn máy tính cũng khá phổ biến tại thị trường Việt Nam.


Thông số kỹ thuật
  • Tên sản phẩm: FSP Hyper 500 W
  • Công suất: 500W/600W/700W
  • Hiệu suất: Chứng nhận 80 Plus (85%)
  • Thiết kế đường 12V: Single Rail
  • Số cổng cấp nguồn VGA: 2 x 2+6 pin
  • Số cổng cấp nguồn SATA: 2 x 4 cổng
  • Kích thước quạt tản nhiệt: 120 mm
  • Các tính năng bảo vệ: OCP, OVP, SCP
  • Bảo hành: 5 năm

Trong bài viết này mình trên tay phiên bản 500 W, giá bán lẻ tham khảo là 1,3 triệu đồng. Về cơ bản, đây là công suất đủ đáp ứng cho phần lớn các hệ thống máy tính dành cho các bạn game thủ hiện nay nếu không ép xung.

Thiết kế bình thường như bao bộ nguồn giá mềm, đủ dây cấp nguồn

FSP-11.jpgFSP-12.jpg

Là một bộ nguồn tầm trung, thiết kế của FSP thật ra cũng không có gì đặc sắc với lớp vỏ kim loại được sơn đen, kích thước tiêu chuẩn 150 x 165 x 86 mm và trọng lượng 1690 g. Ở 2 bên trái phải là 2 tem dán với logo Hyper 500. 2 cái logo được thiết kế để bạn gắn kiểu trên nóc hay dưới đáy thùng thì cũng sẽ không bị ngược.

FSP-3.jpg
Dòng nguồn này sử dụng 1 quạt tản nhiệt có đường kính 120 mm, hoạt động tương đối êm. Theo công bố của nhà sản xuất thì độ ồn khi hoạt đông của nó là dưới 19 db. Khi dùng thử thì mình cũng không đo, nhưng chắc chắn một điều là nó êm hơn mấy cái quạt của con GIGABYTE GTX 1070 XTREME khi chạy fullload :D

FSP-13.jpg
Phía sau chúng ta có một cổng gắn dây nguồn và công tắc vật lý. Một sticker cho biết điện đầu vào là 230VAC. Nói chung đây là sản phẩm bán cho thị trường Việt Nam, cắm điện 220V thoải mái không sợ bi kịch xảy ra.

FSP-5.jpg
Hyper 500W là dòng nguồn giá mềm, vì vậy các dây cấp nguồn của nó được gắn chết vào chứ không phải dạng mô-đun. Điều này sẽ gây một số khó khăn cho các bạn muốn đi dây đẹp (nhưng phải là không thể). Còn đối với phần còn lại của thế giới, nó không có ảnh hưởng gì ngoài việc tiết kiệm cho bạn kha khá tiền. Các dây cấp nguồn được bọc lưới, giúp tăng độ bền.

FSP-6.jpg
Để cấp nguồn cho bo mạch chủ, FSP có 1 đầu 20+4 pin và 1 đầu 4+4 pin. Nói chung là tương thích với tất cả các dòng bo mạch chủ từ giá rẻ đến cao cấp.

FSP-15.jpgFSP-9.jpg
Chúng ta có 8 cổng cấp nguồn cho ổ cứng, chia làm 2 dây. Dù thùng máy của bạn thiết kế với khay cắm ổ cứng như thế nào đi nữa thì cũng không thành vấn đề.

FSP-10.jpg

FSP Hyper 500W có 2 đầu Molex, cho phép bạn có thể dùng dây nối để cấp điện cho những phụ kiện như đèn hay quạt trong thùng máy. Ngoài còn có một đầu cấp nguồn cho ổ đĩa vuông mà có lẽ giờ chả ai xài đến nữa.

FSP-7.jpg

Và dĩ nhiên, chúng ta cũng có 2 đầu cấp nguồn 2+6 pin dành cho card màn hình được thiết kế theo dạng dây kép (1 dây 2 nhánh) nên hơi khó gắn. Đồng thời nó cũng không cho phép bạn chạy Crossfire hay SLI nhiều card (mà thật ra thì chẳng ai dùng nguồn 500 W để chạy nhiều card cả).

Tạm đủ các tính năng

FSP Hyper 500, chúng ta có 3 tính năng bảo vệ là OCP (bảo vệ quá áp), OCP (bảo vệ quá dòng) và SCP (bảo vệ chạm tải). Dĩ nhiên, đây không phải là tất cả các tính năng bảo vệ mà một PSU có thể sở hữu, nhưng với mức giá 1,3 triệu thì nó nói chung là đủ để an toàn cho người dùng thông thường.

fsp-1-2.jpg

Chứng nhận 80 plus cũng là điểm để giúp bạn dễ phân biệt các dòng nguồn tốt và các dòng nguồn kém chất lượng. 80 plus của Hyper 500 là mức thấp nhất. Ngoài ra bạn còn có các chuẩn cao hơn như Bronze, Silver, Gold và cao cấp nhất là Platinum. Chúng sẽ cho hiệu suất cao hơn, linh kiện cũng sẽ tốt hơn và dĩ nhiên là giá cũng đắt hơn. Giá một bộ nguồn chứng nhận Platinum có thể lên hơn 10 triệu là chuyện bình thường.

FSP-2.jpg

Mặc dù chỉ được chứng nhận 80 Plus, tức là hãng đảm bảo hiệu suất 80% điện đầu vào sẽ được chuyển thành điện cấp cho các linh kiện. Tuy nhiên cũng như đa số các dòng nguồn hiện nay, FSP 500W đạt hiệu suất tối ưu ở 50% tải với 88% tỉ lệ chuyển đổi.

Công suất và tính năng vừa đủ với nhu cầu phổ thông

Một bộ nguồn có rất nhiều thông số kỹ thuật và nếu là dân kỹ thuật, bạn có thể tha hồ mà tìm hiểu và phân tích. Tuy nhiên nếu như bạn là một game thủ với mục đích duy nhất là kiếm cái nguồn đủ kéo dàn máy khủng của mình mà mức giá mềm nhất có thể (nhưng vẫn là loại tốt) thì chỉ cần xem công suất của đường 12V. Và cũng đừng quan tâm đến việc nó thiết kế đường 12V theo dạng single rail hay multi rail, vì ngay cả các chuyên gia cũng đấu đá nhau ầm ầm về việc cái nào thực sự tốt hơn.

FSP-4.jpg

FSP Hyper 500 W có đường 12V là 456W, được thiết kế theo dạng single rail. Và nó đủ đáp ứng cho phần lớn các hệ thống hiện nay. 2 cấu hình mình đã thử như sau:
  • Intel Broadwell-E Core i7-6900K, main MSI X99 Gaming Pro Carbon, GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING (đầu cấp nguồn 8+6 pin), 2 x 4 GB Geil DDR4-3000, 120 GB SSD Intel 520.
  • Intel Core i5-3570k, main Asus Z77-V, GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING (đầu cấp nguồn 8+6 pin), 2 x 4 GB Corsair Vengence DD3-1600, 120 GB SSD Intel 520.
Tất cả đều ở chế độ xung nhịp mặc định, không ép xung. Cả 2 hệ thống đều hoạt động ổn định khi fullload lúc chơi game. Hệ thống Broadwell-E thì mình chỉ thử khoảng 2 ngày, còn bộ Ivy thì chạy suốt gần 1 tháng. Về cơ bản, nếu đã cân được dàn Broadwell-E như trên thì chắc chắn là những dàn phổ thông xài nền tảng Broadwell/Skylake cũng không thể làm khó được bộ nguồn này. Dĩ nhiên như mình đã nói từ đầu, 500W chỉ đáp ứng tốt khi bạn không ép xung. Nếu bạn ép xung thì mức năng lượng cần thiết biến thiên tuỳ theo mức độ, lúc đó thì 500 W có thể sẽ là không đủ.

Kết luận

Với mức giá 1,3 triệu đồng, FSP Hyper 500W phù hợp cho các bạn muốn lắp một dàn máy chơi game với nền tảng Broadwell/Skylake kết hợp với card khủng như GTX 1080/1070 mà không muốn phải chi quá nhiều vào bộ nguồn. Bạn vẫn có thể kết hợp nó với Broadwell-E, tuy nhiên cái này mình không khuyến khích, đặc biệt là khi chơi với những dòng card xài đầu cấp nguồn 8+8 (lý thuyết có thể lấy đến 375 W năng lượng).

Tóm lại FSP Hyper 500 W không phải là bộ nguồn tốt nhất, tuy nhiên nó là một trong những bộ nguồn có thể hoàn thành nhiệm vụ với chi phí thấp nhất.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận