Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất nước”

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất nước”

Đây là một nội dung trong Thông báo kết luận của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về TT&TT quý I và tháng 4/2016 vừa được Văn phòng Bộ ban hành.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất nước”

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I và tháng 4/2016 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 27/4. (Ảnh: Việt Hải)

Trước đó, trong hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I và tháng 4/2016 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 27/4 qua hệ thống truyền hình trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa đã cho biết, theo phân công của lãnh đạo Bộ, Cục Tin học hóa đã dự hội nghị thẩm định dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thống kê, tổng hợp dân số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì vào ngày 20/4.

Ông Phúc cho hay, tại cuộc họp này, rất nhiều ý kiến của các đại biểu băn khoăn với nội dung dự thảo Nghị định do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng. Bởi lẽ, trước hết về cơ sở pháp lý, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thường một Nghị định phải được một Luật nào đó giao cho Chính phủ quy định nhưng Nghị định này không có Luật nào giao cho Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, tên Nghị định là “CSDL quốc gia về thống kê, tổng hợp dân số”, các đại biểu các bộ, ngành rất băn khoăn vì hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CSDL quốc gia về Dân cư, giao cho Bộ Công an làm chủ đầu tư.

“Vậy với CSDL quốc gia về thống kê, tổng hợp dân số, ít nhất đã trùng 15 trường thông tin của dự án CSDL quốc gia về Dân cư của Bộ Công an. Ngoài ra, CSDL này còn có thêm 20 trường thông  tin nữa. Trong bối cảnh dự án của Bộ Công an với 15 trường thông tin đã lên tới 3.300 tỷ đồng thì với dự án có tới 35 trường thông tin của Bộ KH&ĐT, ước tính kinh phí đầu tư ít nhất cũng gấp đôi. Ngoài ra, đưa ra 35 trường thông tin nhưng Bộ KH&ĐT không hề có giải thích căn cứ pháp lý, nhu cầu thực tiễn cũng như sở cứ khoa học tại sao đưa ra 35 trường thông tin này”, ông Phúc nói.

Cũng theo phân tích của Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, trong Thông báo số 37 của Văn phòng Chính phủ vào ngày 1/8/2014 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng CSDL quốc gia về thống kê, tổng hợp dân số trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện, cập nhật CSDL về điều tra thống kê dân số và nhà ở năm 2010. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lại đang xây dựng theo hướng xây dựng mới, không có bổ sung, hoàn thiện, cập nhật từ CSDL về điều tra thống kê dân số. Ông Phúc chia sẻ “Đây cũng là điều chúng tôi cũng hết sức băn khoăn”.

Ngoài  ra, theo ông Phúc, các đại biểu tham dự cuộc họp cũng rất băn khoăn với việc Bộ KH&ĐT dự định lấy hết dữ liệu có liên quan đến dân cư tại các Bộ, ngành về lưu trữ tại một kho mới. Hiện nay, về chi phí lưu trữ trong CSDL quốc gia về Dân cư do Bộ Công an đang xây dựng thì riêng lưu trữ 15 trường thông tin, kinh phí đã là 1.000 tỷ đồng. Giờ muốn lưu trữ song song như đề xuất của Bộ KH&ĐT thì kinh phí lưu trữ sẽ tăng rất nhiều lần.

Về vấn đề nêu trên, cũng tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I và tháng 4/2014 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, người được Bộ trưởng phân công trực tiếp phụ trách lĩnh vực CNTT cũng đã nêu ra thực trạng hiện nay một số bộ, ngành tiếp tục xây dựng các CSDL rất “hoành tráng” nhưng không liên thông, kết nối dữ liệu với nhau. Thứ trưởng đã đề nghị Cục Tin học hóa có chuẩn bị, báo cáo lãnh đạo Bộ về vấn đề này.

“Chúng ta đã tham mưu, Chính phủ đã ban hành 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai. Những tiêu chí liên quan đến các CSDL quốc gia, vấn đề kết nối liên thông như thế nào, chúng ta cũng cần rà soát lại xem đã đủ văn bản chưa. Nếu như để tình trạng các bộ, ngành xây dựng các cơ sở dữ liệu chồng chéo nhau, sẽ không khác gì giai đoạn trước đây bị loạn về các phần mềm quản lý văn bản. Cục Tin học hóa cần có sự xem xét thấu đáo, tham mưu chi tiết với lãnh đạo Bộ”, Thứ  trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Tin hóa phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chuẩn về kết nối liên thông CSDL, đảm bảo đúng tiến độ trình Thủ tướng vào tháng 9/2016.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất nước”

Thực tế hiện nay một số bộ, ngành tiếp tục xây dựng các CSDL rất lớn nhưng không liên thông, kết nối dữ liệu với nhau (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Liên quan đến vấn đề liên thông giữa các CSDL, thời gian qua, đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã cho biết các địa phương này gặp phải nhiều khó khăn do CSDL của một số Bộ, ngành triển khai không liên thông, kết nối với các hệ thống thông tin địa phương đang vận hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đơn cử như, tại TP.HCM, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT cho biết, khi triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT hoàn toàn không hỏi gì thành phố, áp đặt xuống nên đã tạo ra sự xáo trộn, lãnh phí. Trao đổi với ICTnews bên lề hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2016 diễn ra cuối tháng 3/2016, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, giữa hệ thống đăng ký đầu tư của Bộ KH&ĐT và hệ thống của TP.HCM vẫn chưa kết nối, liên thông được; cán bộ của TP.HCM phải tác nghiệp trên cả 2 hệ thống, vừa dùng hệ thống của thành phố để đáp ứng nhu cầu quản lý của địa phương mình, vừa dùng hệ thống của Bộ nên rất tốn thời gian, công sức.

Cũng tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2016, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT cũng chỉ rõ, một trong những bất cập hiện nay là các bộ khi triển khai các CSDL ví dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương và đã dẫn đến tình trạng CSDL đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ khắc phục vấn đề này.

Ông Hà cũng cho biết: “Văn phòng Chính phủ sẽ hệ thống lại các CSDL, hệ thống thông tin mà các bộ đã được phê duyệt, trong đó có những hệ thống không liên thông, trùng lặp. Nếu không hệ thống lại một cách kỹ càng sẽ gây lãng phí rất lớn, trong khi nguồn lực cho CNTT còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc xây dựng Chính phủ điện tử”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận