Các tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài ở Việt Nam

Các tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài ở Việt Nam

Tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài ở Việt Nam

Thông tư 44 quy định về việc công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tư 44 quy định về việc công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ký ban hành cuối tháng 12/2017.

Có hiệu lực từ ngày 15/2 tới, Thông tư 44 quy định về tiêu chí, quy trình công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT (Thông tư 03).

Thông tư mới được Bộ TT&TT ban hành áp dụng với các tổ chức nước ngoài cấp chứng chỉ CNTT có đề nghị Bộ TT&TT xem xét công nhận chứng chỉ đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo Thông tư 03; không áp dụng đối với chứng chỉ CNTT thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng, chứng chỉ mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

Thông tư 44 quy định, chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài cấp chỉ được công nhận khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Cụ thể, về tiêu chí công nhận chứng chỉ CNTT do tổ chức nước ngoài cấp đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, Thông tư 44 nêu rõ, chứng chỉ CNTT được cấp bởi một trong các tổ chức: tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ CNTT ở Việt Nam; tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ CNTT ở nước ngoài và có đại diện ủy quyền để tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ tại Việt Nam. Đại diện ủy quyền này là doanh nghiệp, tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Chứng chỉ phải được ít nhất 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trụ sở tại nước phát triển (bao gồm các nước là thành viên nhóm G7, thành viên của Liên minh Châu Âu, Australia, Hà Quốc) công nhận bằng văn bản; các văn bản công nhận này vẫn còn hiệu lực và được phát hành không quá 5 năm tính đến thời điểm đề nghị được gửi đến Bộ TT&TT.

Để được xem xét công nhận, chứng chỉ do tổ chức nước ngoài cấp còn phải đáp ứng các tiêu chí khác như: Khung chương trình, khung giáo trình, đề thi đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT quy định tại Thông tư 03; Phần mềm thi đảm bảo cho việc tổ chức thi (có chức năng xác thực thí sinh; có thuật toán ngẫu nhiên, đồng đều các câu hỏi ở các phần kiến thức, kỹ năng khác nhau để tạo ra đề thi từ ngân hàng câu hỏi thi; hệ thống chấm điểm tự động hoạt động phù hợp, chính xác và thông báo kết quả trên màn hình hoặc in ra giấy ngay sau khi kết thúc bài thi); Hệ thống CNTT bảo đảm cho việc tổ chức thi (đảm bảo các tiêu chí về an toàn cơ sở dữ liệu, bảo mật và an toàn khi đăng nhập vào hệ thống; có các tính năng lưu vết, thống kê, báo cáo và sao lưu tự động; đảm bảo hoạt động thi trên máy ổn định, có thiết bị bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống; có tính năng giám sát trực tuyến tránh gian lận trong quá trình thi); Quy trình thi và cấp chứng chỉ (quy trình giám sát thi và cấp chứng chỉ đảm bảo tránh gian lận, có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ về quy định thi, cấp chứng chỉ, đề thi mẫu và cho phép kiểm tra sự tồn tại hợp lệ của các chứng chỉ đã cấp).

Bên cạnh đó, Thông tư 44 của Bộ TT&TT cũng quy định cụ thể về quy trình xem xét công nhận chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT; Hội đồng thẩm định; Hồ sơ đề nghị công nhận; cũng như trách nhiệm của tổ chức nước ngoài hoặc đại diện ủy quyền tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài.

Theo đó, bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của các nội dung trong hồ sơ, tài liệu; tổ chức nước ngoài hoặc đại diện ủy quyền tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài có trách nhiệm cập nhật, báo cáo ngay với Bộ TT&TT khi có những thay đổi liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Hằng năm, chậm nhất vào ngày 31/1, tổ chức nước ngoài hoặc đại diện ủy quyền tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài tổng hợp, báo cáo Bộ TT&TT theo các nội dung: Danh sách, đặc điểm, tình hình của các trung tâm khảo thí tại Việt Nam; Số liệu tổng hợp kết quả tổ chức thi và cấp phát chứng chỉ trong năm trước tại Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức nước ngoài hoặc đại diện ủy quyền tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài còn phải chịu trách nhiệm cam kết bảo đảm chất lượng việc tổ chức, sát hạch và cấp chứng chỉ đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT. Trường hợp vi phạm, Bộ TT&TT có thể xem xét việc hủy bỏ việc công nhận chứng chỉ.

Bộ TT&TT giao Vụ CNTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Thông tư 44.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận