Cách mạng công nghiệp 4.0 là “cơ hội bằng vàng” để Việt Nam tăng năng suất lao động

Cách mạng công nghiệp 4.0 là “cơ hội bằng vàng” để Việt Nam tăng năng suất lao động

Cách mạng công nghiệp 4.0 là “cơ hội bằng vàng” để Việt Nam tăng năng suất lao động

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, doanh nghiệp đang định hướng  tập trung vào con đường điện tử hóa (Ảnh: Thái Anh)

Chia sẻ tại tọa đàm chủ đề “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức chiều qua, ngày 28/12/2017, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group cho biết, ông vừa đọc được một thông tin mới và là thông tin không vui với Việt Nam, đó là: theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của người Việt Nam năm 2016 đạt gần 10.000 USD, thấp nhất trong khu vực, chỉ bằng 7% so với người Singapore, 17% người Malaysia, 42% người Indonesia và 87% so với người Lào. Không những thế, so với các năm trước, sự chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực ngày càng tăng.

“Đọc thông tin này, tôi thấy rất sốc, bởi nếu đúng như vậy thì chúng ta đang tụt hậu rất nhiều. Chúng ta có giàu có hay không đều do sự chăm chỉ và năng suất lao động. Có điều kiện sang một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, cá nhân tôi thấy rằng người dân các nước này làm việc chăm chỉ hơn chúng ta nhiều. NextTech Group có 1 Công ty ở Quảng Châu. Các nhân viên người Trung Quốc của NextTech làm xong hết hàng, thậm chí là 10-11h đêm mới về; còn ở Việt Nam tầm 5-6h là nhân viên đã về hết. Đây là thực tế tại đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Bình nói.

Đề cập đến cơ hội của Việt Nam trong CMCN 4.0, người đứng đầu NextTech Group cho biết, quan điểm về CMCN 4.0 cũng như những cơ hội, thách thức của nó với Việt Nam từng được ông đưa ra trong cuộc tọa đàm hồi tháng 11 do ICTnews tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, nói đến “Cách mạng”, nội hàm của từ này trong suốt mấy nghìn năm lịch sử thông thường có 2 yếu tố: đầu tiên là xóa bỏ những áp bức bóc lột, bất công; và thứ hai là tăng năng suất lao động. Ông Bình phân tích: “Với CMCN 4.0, những đặc điểm nêu trên đang thể hiện rất rõ. Đơn cử như, về việc xóa bỏ bất công, các ngành truyền thống trên thế giới như taxi, ngân hàng, chứng khoán… từ xưa đến nay vẫn đang hài lòng với mức lợi nhuận rất cao; cũng giống như kinh doanh trong trạng thái độc quyền thì doanh nghiệp đang có tỷ suất lợi nhuận lớn, sẽ không bao giờ có động lực để phải giảm lợi nhuận của mình nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong khoảng 5-7 năm gần đây, sự ra đời của các startup công nghệ thực sự đang làm nên một cuộc cách mạng lật đổ các ngành truyền thống nếu những ngành này không chịu thay đổi”.

Minh chứng cho nhận định của mình, Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hòa Bình lấy dẫn chứng từ sự xuất hiện của các các công ty taxi công nghệ như Uber, Grab đã ảnh hướng lớn tới ngành taxi truyền thống: “Thực tế, năng suất lao động của các hãng taxi truyền thống quá thấp. Khi chúng tôi thực hiện khảo sát, mới nhận thấy những điểm vô lý như: Tại sao mỗi sảnh của một tòa nhà lại bố trí 1 người trực 24/24h chỉ với nhiệm vụ là khi có khách đến thì gọi taxi cho họ; hay việc 1 xe taxi của nhiều hãng vận tải truyền thống, cứ cuối ngày lại phải về bãi để báo số km chạy trong ngày và nộp tiền mặt cho thu ngân để chốt ca, chốt cơ… Sự tiêu tốn nhân lực này dẫn đến năng suất lao động của hãng taxi truyền thông thấp hơn rất nhiều, thậm chí thấp hơn hàng chục lần so với Uber hay Grab”.

Tương tự, theo ông Bình, với ngành ngân hàng, chuyển tiền xuyên biên giới, chuyển tiền giữa các quốc gia có phí rất cao. Trong khoảng 5 năm gần đây, ngành ngân hàng cũng đang phải cắt giảm nhân sự rất nhiều, do áp lực cạnh tranh từ các công ty startup trong lĩnh vực Fintech. Hiện NextTech Group cũng đang hợp tác với nhiều công ty Fintech của nước ngoài để cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, giúp người sử dụng dịch vụ không cần phải đến ngân hàng.

Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định CMCN 4.0 là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện cái mà chúng ta đang rất kém là năng suất lao động. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, người Việt Nam sẽ tiếp tục bị tụt hậu “Đây là cơ hội bằng vàng cho chúng ta ứng dụng CNTT đến tận gốc rễ để tăng được năng suất lao động. Ngược lại, những ngành truyền thống không năng động, không đủ năng lực, không ứng dụng CNTT một cách triệt để thì ngành đó xứng đáng bị đào thải”, ông Bình nêu quan điểm.

Người đứng đầu NextTech Group cũng chia sẻ thêm, thời gian vừa qua, NextTech startup rất nhiều. Trong đó, NextTech cũng có 1 công ty giúp cho các hãng taxi, ví dụ như Open99 thay được toàn bộ tổng đài, bộ đàm, hay việc phải về chốt cơ, chốt ca... từ cách làm thủ công trước đây sang thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ di động, cắt giảm tới 20% chi phí vận hành. “Chỉ có như vậy, các hãng taxi mới có thể tồn tại được trước “cơn bão” Uber, Grab”, lãnh đạo NextTech Group nhấn mạnh.

NextTech Group hiện nay đang định hướng  tập trung vào con đường điện tử hóa, tức là sử dụng CNTT để giúp các ngành truyền thống trở nên thích ứng trong một thế giới đang điện tử hóa rất nhanh, mạnh hiện nay. Được biết, trong gần 14 năm qua, tính từ thời điểm startup công ty dịch vụ CNTT đầu tiên (năm 2004), đến nay NextTech đã startup khoảng 30 công ty và hiện còn “sống” khoảng hơn 20 công ty trong 3 lĩnh vực chính triển khai tại 7 nước trong khu vực, gồm có Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là “cơ hội bằng vàng” để Việt Nam tăng năng suất lao động

Tọa đàm chủ đề “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức chiều qua, ngày 28/12/2017 (Ảnh: Thái Anh)

Một lần nữa khẳng định cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong CMCN 4.0 rất lớn, song Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ rõ cuộc cách mạng này cũng buộc các doanh nghiệp Việt phải đối mặt với vô vàn thách thức. “Hiện nay, thế giới bên ngoài đang chạy rất nhanh. Trong những lĩnh vực tôi vừa đề cập, các quốc gia khác cũng đã có những doanh nghiệp điện tử hóa nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Đơn cử như Grab đến từ Malaysia, GoJek của Indonesia, Việt Nam đều chưa có doanh nghiệp nào điện tử hóa được mạnh mẽ như vậy. Cá nhân tôi thấy rất lo ngại việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể để thị trường rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài”, ông Bình chia sẻ.

Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn trong thời gian tới, ông Bình cho rằng vấn đề nhận thức rất quan trọng, đặc biệt là cần có tư tưởng cởi mở với các phát kiến mới. “Nếu không thay đổi thì trong CMCN 4.0 này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nguy nhiều hơn cơ”, ông Bình nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận