CMCN 4.0: Cần đi từ nhận thức đến hành động cụ thể

CMCN 4.0: Cần đi từ nhận thức đến hành động cụ thể

Sáng nay , Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” đã chính thức được khai mạc.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Cuộc cách mạng 4.0 rất gần Việt Nam khi các tập đoàn lớn ở trong nước và quốc tế đang tham gia triển lãm này như FPT, CMC, Huawei, VNPT, VinFast, Vietcombank...".

Thủ tướng đánh giá cao về nỗ lực chủ động triển khai chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhiều công nghệ mới của thế giới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), robot,… Qua đó, đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực... từ đó tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cách mạng công nghiệp 4.0, Industry 4.0 Summit 2018,

Theo Thủ tướng, qua diễn đàn lần này, nhận thức về cuộc cách mạng 4.0 càng sâu sắc hơn, rõ ràng hơn đặc biệt là về bước đi và cách làm, với điểm nhấn là tối đa tự động hóa và ứng dụng CNTT để quản trị sản xuất kinh doanh theo mô hình thông minh xuyên suốt chuỗi giá trị.

Từ nhận thức đó, Việt Nam cần có những hành động cụ thể, với sự chung tay, vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm biến những phát biểu, ý tưởng và những chủ trương thành hành động mang lại kết quả trên thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương phải cùng với Chính phủ khẩn trương đưa ra và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tận dụng triệt để các cơ hội mở ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng tình rằng nhân lực cho CMCN 4.0 đang là vấn đề lớn đối với Việt Nam. “Nguồn nhân lực ở Việt Nam có tới 40% là lao động nông nghiệp năng suất thấp, vì vậy hệ thống giáo dục phải nắm bắt và đáp ứng hiệu quả vấn đề này. Phải xử lý lại việc trang bị kỹ năng cho người lao động”, Thủ tướng nói

Về phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng CNTT, nền tảng quan trọng để cách mạng 4.0 thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần xử lý những mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 để không ai ở lại phía sau... Muốn làm nhanh, tốt hơn nữa thì chính sách rất quan trọng nhất là chính sách cho phát triển doanh nghiệp". Đồng thời ông khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương sẵn sàng lắng nghe về cuộc cách mạng 4.0 và các khuyến nghị với Việt Nam trong cuộc cách mạng này.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận