Công nghiệp hỗ trợ trong nước ì ạch bước vào TPP

Công nghiệp hỗ trợ trong nước ì ạch bước vào TPP

Công nghiệp hỗ trợ trong nước ì ạch bước vào TPP

Doanh nghiệp nội địa cần chủ động nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị để có thể cạnh tranh. Ảnh: Phan Minh.

Tại tọa đàm “Ảnh hưởng của TPP và EVFTA tới các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tổ chức ngày 8/4, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch VEIA nhấn mạnh: Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các Hiệp định được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức mới cho doanh nghiệp điện tử.

Đề cập đến thực trạng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, ông Lưu Hoàng Long cho rằng, trong những năm qua, tuy Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng với mức trung bình hàng năm khoảng 10%, tuy nhiên hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp điện tử, kể cả doanh nghiệp FDI lại là lắp ráp, hoàn tất công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Cùng đó, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những bước khởi đầu thuận lợi với tỷ lệ nội địa hóa đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây nhưng mới đạt từ 20 – 30%, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Sự ảnh hưởng của TPP, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho Việt Nam cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo ra cơ hội sản xuất những sản phẩm chất lượng cao.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Phát triển Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, chi phí dành cho nguyên liệu phụ tùng và linh kiện quyết định rất nhiều đến chi phí sản xuất chung (thông thường chiếm đến 80%, trong khi chi phí lao động chỉ 2%). Do đó sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ là điều kiện phát triển bền vững của ngành công nghiệp điện tử và khả năng cạnh tranh của ngành này.

Tại tọa đàm, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, Việt Nam gia nhập các hiệp định như TPP, EVFTA… đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang đi ra biển lớn, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ trong nước ì ạch bước vào TPP

Ảnh: Phan Minh.

Theo cam kết thuế trong TPP, EVFTA, đa số các sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ được xóa bỏ khi các hiệp định có hiệu lực, mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực cạnh tranh lớn.

“Tuy nhiên hiện nay năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp nếu so với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài”, bà Phương lo ngại.

Trao đổi tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc xuất khẩu các sản phẩm CNTT của Việt Nam tới thị trường Châu Âu và 11 nước TPP sẽ có nhiều thuận lợi do hầu hết các sản phẩm này sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay khi TPP và EVFTA có hiệu lực, dự kiến vào năm 2018.

Sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới vào thị trường Việt Nam sẽ tạo thêm việc làm, cơ hội hợp tác, học hỏi và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế sẽ tạo ra thách thức lớn khi việc xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm CNTT vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước.

Bên cạnh đó, dư địa sử dụng các công cụ thuế quan nhằm bảo hộ công nghiệp hỗ trợ điện tử trong nước sẽ liên tục bị thu hẹp.

Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, kỹ năng quản trị để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của sản phẩm CNTT. Bên cạnh đó, cần đề xuất để nhà nước tránh tình trạng “ưu đãi thuế ngược” cho doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, gây bất lợi cho doanh nghiệp hỗ trợ điện tử trong nước.

Bà Tuệ Anh cũng lưu ý, hiện hầu hết các doanh nghiệp hỗ trợ điện tử của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi gia nhập TPP, EVFTA còn phải cạnh tranh trên phạm vi quốc tế, vì thế cần phải bỏ thời gian tìm hiểu qua website và tận dụng các ngoại lệ quy định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các cam kết.

Đồng quan điểm, ông Lưu Hoàng Long cũng nhấn mạnh, để sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh với các thành viên khác của TPP…

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận