Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác để phát triển tài sản trí tuệ

Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác để phát triển tài sản trí tuệ

Ngày 11/4, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký biên bản hợp tác nhằm phát triển sản phẩm trí tuệ hướng tới chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hợp tác này nhằm triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trong giai đoạn 2017–2020.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí và Giám đốc ĐHQGHN đã ký kết Bản ghi nhớ về SHTT. Ảnh: HM.
Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí và Giám đốc ĐHQGHN đã ký kết Bản ghi nhớ về SHTT. Ảnh: HM.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN, là một tổ chức giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ĐHQGHN có nhiều công trình khoa học được công bố quốc tế, nên vấn đề SHTT đang trở thành vấn đề cấp bách với ĐHQGHN.

Người đứng đầu ĐHQG HN cũng thừa nhận, mặc dù đã tổ chức một số khóa đào tạo về SHTT, nhưng công tác quản lý hoạt động SHTT của ĐHQGHN còn nhiều bất cập, nhận thức của cán bộ quản lý và các nhà khoa học về SHTT còn chưa đủ, số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế còn thấp, hiệu quả thương mại hóa chưa cao.

“ĐHQGHN mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động SHTT, phát triển các sản phẩm trí tuệ có khả năng thương mại hóa. ĐHQGHN đề nghị Cục SHTT hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý tài sản trí tuệ và hoạt động SHTT cho cán bộ quản lý tại ĐHQGHN” – ông Sơn nhấn mạnh.

Chỉ ra nguyên nhân của việc trường chưa khai thác hết tài sản trí tuệ, PGS - TS Nguyễn Văn Tích - Trưởng ban KH&CN (ĐHQGHN) nói thẳng, mặc dù các trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng thực tế số lượng tài sản trí tuệ còn hạn chế. Nguyên nhân là do các trường, viện nghiên cứu đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước, chưa huy động được nguồn tài chính khác, đặc biệt là của doanh nghiệp, việc thiếu đầu tư cho khâu sản xuất thử nghiệm là lỗ hổng lớn trong đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường. Đa số các nghiên cứu trong trường đại học được thực hiện từ ngân sách nhà nước, sử dụng trang thiết bị phòng thí nghiệm của trường, nhưng các kết quả nghiên cứu chưa được đăng ký bảo hộ SHTT cũng như thương mại hóa.

Chia sẻ vấn đề này, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí đánh giá cao những kết quả mà ĐHQGHN đã đạt được và cho rằng đây là nơi có nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động SHTT. Tuy vậy, số lượng đăng ký sáng chế, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ còn khiêm tốn.

“Đây cũng là bối cảnh chung của các trường và viện nghiên cứu ở Việt Nam” – ông Phí đồng cảm và khẳng định trước thực tế này Bộ trưởng Bộ KH&CN đã có chỉ đạo và Cục SHTT sẽ tập trung hỗ nâng cao năng lực quản lý, cũng như hỗ trợ thúc đẩy hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu hướng tới mục tiêu thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung hỗ trợ ĐHQG Hà Nội và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể việc ký kết là một minh chứng cho sự hỗ trợ này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận