Dân công nghệ đón Tết xa nhà…

Dân công nghệ đón Tết xa nhà…

Không chỉ tự trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ Tết truyền thống, họ còn luôn tranh thủ “cầu truyền hình” với người thân qua mạng xã hội, Skype, Viber…

Nhớ Tết Việt...

Dân công nghệ đón Tết xa nhà…
Trần Đức Trí Quang (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp

Tết Bính Thân 2016 đã là năm thứ tư Trần Đức Trí Quang - kỹ sư cầu nối thế hệ 8x đời “áp chót” đang làm việc tại FPT Nhật Bản, đón Tết xa nhà. Mặc dù bị cuốn trong guồng quay của công việc, vì khách hàng và công ty không nghỉ Tết Nguyên đán như ở Việt Nam, nhưng Quang vẫn dành chút thời gian ngắn ngủi để kết nối với người thân, bạn bè vào đúng đêm giao thừa. “Đêm 30 thường gọi điện về nhà để chúc Tết ông bà, bố mẹ. Trước muốn liên lạc phải gọi điện thoại, vừa tốn kém vừa không nhìn thấy mặt mọi người. Giờ sau một khóa đào tạo ngắn ngày về Skype, ông bà, bố mẹ đã bắt kịp thời đại, mình chỉ cần hẹn giờ gọi thôi. Nhìn thấy mọi người quây quần đón Tết mình cũng vui lây”, Quang tâm sự. “Đêm giao thừa kiểu gì cũng phải liên lạc với người thân, bạn bè, đặc biệt là chúc nhau qua mạng xã hội. Mình mà không liên lạc lại sợ mọi người không nhớ mình là ai thì chết”.

Hiện công việc của Quang là tư vấn về mảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), công việc rất thách thức nhưng mang lại cơ hội học hỏi những kiến thức mới, giao lưu với những chuyên gia công nghệ, kinh doanh nhiều kinh nghiệm trên thế giới. Điều Quang mong muốn trong năm mới đó là sẽ cùng các bạn trẻ Việt Nam yêu công nghệ góp phần thúc đẩy đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu. “Muốn phát triển công nghiệp ô tô cần ít nhất 40 năm (như Hàn Quốc), muốn phát triển nông nghiệp cao cấp cần 30 năm (như Israel), muốn phát triển công nghiệp CNTT cao cấp, theo tạp chí Gartner chỉ cần chưa đến 10 năm (Alibaba là ví dụ điển hình nhất). Để đất nước phát triển, bắt kịp với các quốc gia khác thì CNTT chính là con đường ngắn nhất. Mong rằng năm mới các bạn trẻ yêu công nghệ sẽ tìm được con đường của riêng mình, góp phần thúc đẩy việc đưa Việt Nam vào điểm sáng bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu”, chàng kỹ sư trẻ cho biết.

Nhớ nhà kinh khủng

Sinh năm 1991, Ngô Việt Hoàng đang làm việc tại Mỹ trong vai trò kỹ sư CNTT mảng dữ liệu lớn (Big Data). Năm 2015 là năm Hoàng được trải nghiệm cái Tết cổ truyền đầu tiên trên đất Mỹ. Ấn tượng cái Tết xa nhà đầu tiên là nhớ nhà kinh khủng, cảm giác rất tủi thân và hơi buồn khi lên Facebook ai ai cũng có không khí Tết, cúng ông bà, đưa nhau đi chúc tết, đi thăm họ hàng, trong khi mình thì vẫn phải đi làm. Nhưng có một cái hay là lần đầu tiên mình có một trải nghiệm như vậy. Thỉnh thoảng làm điều mà mình chưa bao giờ đựơc làm cũng có cái hay, ý nghĩa riêng của nó”, Hoàng nhớ lại. Cách Hoàng và các bạn đồng nghiệp làm cho bản thân vơi bớt nỗi nhớ nhà đó là “hết giờ làm việc, cùng tụ họp với các bạn đồng nghiệp ăn bánh chưng, bánh tét mang từ Việt Nam sang cho có hương vị Tết và gọi điện về nhà thăm hỏi, chúc tết gia đình”. Còn với Nguyễn Công Thành, một saleman các giải pháp/dịch vụ phần mềm trong mảng khách hàng bán dẫn, đã 6 năm ăn Tết xa nhà nhưng cứ đến thời khắc Giao thừa, thường rơi vào buổi sáng theo giờ Mỹ, anh luôn dành thời gian gọi điện về chúc Tết gia đình, người thân sau đó lại tiếp tục quay về với công việc trong ngày. “Nếu ở Việt Nam thì chắc chắn những ngày cuối năm mình sẽ cuống cuồng dọn dẹp, trang trí nhà cửa để đón Tết. Đúng đêm 30, mình sẽ ở nhà xem hết chương trình Táo quân, sau đó chạy lên Bờ Hồ xem bắn pháo hoa với đám bạn thân. Rồi mùng 1, mùng 2, mùng 3 sẽ đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Giờ xa nhà, điều nhớ nhất là bữa cơm tất niên với cả gia đình vì đó là buổi cơm quây quần, đầm ấm và hạnh phúc nhất trong năm”, Thành tâm sự. Năm nay, nếu không có gì thay đổi, Thành dự định sẽ cùng gia đình nhỏ về ăn Tết tại Việt Nam.

Dân công nghệ đón Tết xa nhà…
Nguyễn Công Thành cùng vợ, con

Không khí Tết luôn ngập tràn trong tim

Tết Bính Thân năm 2016 là Tết thứ 5, Đào Hữu Hùng - kỹ sư cầu nối đang làm việc tại Nhật Bản, đón Tết Việt tại đất nước mặt trời mọc. Kể từ khi sang Nhật học Tiến Sĩ năm 2011 cho đến bây giờ, Hùng chưa có năm nào được đón Tết cổ truyền ở Việt Nam. Chia sẻ về cảm nhận của anh khi đón Tết Việt trên đất Nhật, Hùng nói: “Vì Nhật không đón Tết âm lịch, mọi người vẫn phải đi học, đi làm bình thường nên rất khó cảm nhận được ở trong xã hội của họ không khí Tết cổ truyền, được vui chơi và nghỉ ngơi bên gia đình và bạn bè. Nhưng khi trở về nhà riêng của mình thì không khí Tết vẫn tràn ngập trong trái tim của mỗi con người Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi đón Tết Nguyên Đán xa quê hương, mình đều tự chuẩn bị những món ăn truyền thống của dân tộc như bánh chưng, xôi, gà, …, trang trí lại nhà cửa cho thật đẹp, chuẩn bị tiền lì xì cho mọi người. Và một việc không thể thiếu đó là cùng vợ con đón giao thừa và cầu truyền hình với gia đình ở Việt Nam bằng Skype với những lời chúc tốt đẹp nhất. Dù xa xôi cách trở về mặt địa lý nhưng mình vẫn cảm nhận được không khí trong căn phòng của mình như đang ở Việt Nam vậy, rất ấm cúng và hạnh phúc”. Tết Bính Thân 2016, do chỉ được nghỉ một ngày mùng một Tết và công việc riêng nên Hùng dự định sẽ cùng một số người bạn tổ chức bữa tiệc nhỏ để cùng cảm nhận không khí Tết cổ truyền đầm ấm. Và điều không thể thiếu nữa là gọi điện chúc mừng năm mới và trò chuyện với người thân tại Việt Nam trong dịp này.

Dân công nghệ đón Tết xa nhà…
Đào Hữu Hùng
THU TRANG


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận