Đô thị thông minh phải phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Đô thị thông minh phải phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM, cho biết khi xây dựng đô thị thông minh, mỗi quốc gia hay mỗi thành phố sẽ có các mục tiêu khác nhau.

Đô thị thông minh phải phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - Ảnh: H.Đ

Chẳng hạn Phần Lan khi xây dựng đô thị thông minh chú trọng vào các vấn đề năng lượng và môi trường, Hàn Quốc chú trọng vấn đề tái kiến trúc,... Tuỳ theo tình hình từng nơi mà chú trọng phát triển đô thị thông minh với các ưu tiên khác nhau, có nơi chọn phát triển kinh tế, có nơi chọn tăng trưởng du lịch.

Phát biểu trong Hội thảo quốc gia về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin diễn ra mới đây, ông Lê Quốc Cường cho biết TP.HCM sẽ chú trọng phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

"Muốn phát triển kinh tế phải phát triển doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cực kỳ quan trọng. Trên thế giới các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đóng góp nhiều vào GDP của đất nước", ông Cường nói với ICTnews.

Vì lý do này, TP.HCM đang tập trung phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao. Có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đang được thực hiện tại TP.HCM, như kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
"TP.HCM có đầy đủ chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tạo động lực cho nền kinh tế", ông Cường khẳng định.

Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, các thông tin sẽ càng được công khai minh bạch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động. Ví dụ một chương trình đã được triển khai là đăng ký kinh doanh qua mạng, việc này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dịch vụ công.

"Xây dựng đô thị thông minh gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử. Chính quyền điện tử được người dân giám sát trở nên công khai minh bạch, quy trình thuận tiện. Từ đó doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các quy định pháp lý, thuận tiện trong việc phát triển", ông Cường nói.

Xây dựng đô thị thông minh sẽ có cơ sở dữ liệu về quản lý nhà nước. Ví dụ cơ sở dữ liệu về dân cư, về đất đai, các hệ thống văn bản pháp lý,.. để doanh nghiệp dễ dàng truy cập.

Có dữ liệu và phân cấp chia sẻ truy nhập không chỉ giúp thống nhất trong quản lý của nhà nước mà còn giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập các thông tin quan tâm, để có đầy đủ thông tin khi ra quyết định.

Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” sau một thời gian xây dựng đã được công bố vào ngày 26/11.

Mục tiêu của đề án là đảm bảo việc phát triển kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế trí thức; quản trị đô thị hiệu quả dựa trên cơ sở dự báo (dựa trên các công cụ công nghệ thông tin); nâng cao chất lượng sống và làm việc của người dân, lấy người dân là trung tâm của đô thị; và cuối cùng là tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tương tác giữa người dân và chính quyền tốt hơn.

Bên cạnh TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng đang có kế hoạch phát triển lên đô thị thông minh. Thành phố được kỳ vọng trở thành mô hình tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận