Doanh nghiệp Mỹ phải thực hiện thỏa thuận 'không giống ai' khi kinh doanh ở Trung Quốc

Doanh nghiệp Mỹ phải thực hiện thỏa thuận 'không giống ai' khi kinh doanh ở Trung Quốc

Công nghệ đang là chiến trường lớn đối với Trung Quốc và Mỹ, vì cả hai bên đều muốn bảo vệ lợi ích an ninh kinh tế cũng như an ninh quốc gia của họ.
Theo The New York Times, Bắc Kinh đã nắm khá vững nguyên tắc hoạt động của các công ty công nghệ Mỹ cùng những quy tắc thương mại toàn cầu có thể có lợi cho họ. Do đó, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển sang gây áp lực trong lĩnh vực công nghệ cao, Washington có thể nhận lại “đòn” phản công mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Quốc gia châu Á đã bắt buộc một danh sách dài các công ty công nghệ Mỹ muốn bước vào thị trường đông dân nhất thế giới phải tham gia liên doanh hoặc chia sẻ nghiên cứu với các doanh nghiệp Đại lục, nhằm mục đích tạo ra những công ty công nghệ khổng lồ của riêng mình. Sợ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ, từ sản xuất điện thoại thông minh cho đến xe điện, đều phải miễn cưỡng đồng ý.
Tham vọng bá chủ lĩnh vực công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đặt ra nhiều báo động cho Washington. Robert E. Lighthizer, người đại diện thương mại Mỹ, đang chuẩn bị một vụ kiện thương mại nhằm buộc tội Trung Quốc vì đã vi phạm nghiêm trọng sở hữu trí tuệ.
Song, Trung Quốc có thể sẽ đóng vai “người phòng thủ” trước bất kỳ sự tấn công nào từ phía Mỹ, đặc biệt khi họ có những luật lệ riêng biệt đã được đàm phán với Tổ chức Thương mại Quốc tế để duy trì hạn chế dành cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Đại lục.
“Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đàm phán Mỹ trước đây đã đồng ý với những điều khoản cho phép Trung Quốc được quyền hạn chế việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Mỹ. Trừ khi các doanh nghiệp Mỹ đồng ý tham gia liên doanh với các công ty Trung Quốc, nếu không họ sẽ gặp nhiều áp lực”, Michael R. Wessel, thành viên Ủy ban Đánh giá An toàn Kinh tế và An ninh Mỹ, nói. Đồng thời cho biết vấn đề này bắt nguồn từ thời cựu Tổng thống Bill Clinton.
Khi Bắc Kinh đang trong giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị gia nhập WTO, vào năm 1999 và 2000, các nhà thương thuyết Mỹ đã cho phép quốc gia châu Á, với vị trí lúc đó là một nước đang phát triển, một số điều kiện mang tính hỗ trợ. Chẳng hạn, Đại lục có thể yêu cầu những công ty nước ngoài hoạt động trong các ngành kinh tế trọng điểm phải làm việc cùng với đối tác trong nước của Trung Quốc, và đổi lại nước này hứa sẽ rút dần các quy tắc bổ sung khi nền kinh tế của họ trưởng thành.
Tuy nhiên, hơn một thập niên đã qua và thậm chí khi đã phát triển thành một cường quốc kinh tế, nhưng lời hứa năm nào vẫn chưa được Trung Quốc thực hiện. Quốc gia châu Á giờ đây đã rõ ràng về động cơ của họ, coi ngành công nghệ là mảng quan trọng trong chính sách kinh tế. Do đó, nhiều khả năng sẽ họ làm tất cả mọi thứ để bảo vệ ngành mũi nhọn này, đồng thời tìm cách chiếm lĩnh ngành công nghiệp toàn cầu đang trên đà phát triển nhanh chóng để có thể tạo ra hàng triệu công việc công nghệ với mức lương cao cho một thế hệ trẻ Trung Quốc có học thức cao.
Trong một số trường hợp, Đại lục sẽ đi theo chiến lược tiến tới việc kiểm soát những phương thức tiếp cận công nghệ mà các nước trên thế giới đang áp dụng cho quân đội hoặc chính phủ. Nếu không có áp lực nào đủ mạnh, nước này vẫn sẽ buộc công ty công nghệ nước ngoài phải hợp tác với các doanh nghiệp nội địa, một phần để có được kiến thức chuyên môn, một phần để khẳng định sự kiểm soát. Hơn nữa, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ còn đưa ra những đòi hỏi khiến các công ty nước ngoài phải đầu tư nhiều hơn nếu muốn tiếp tục quyền tiếp cận thị trường thương mại lớn nhất thế giới.
Mới đây, Apple đã phải mở trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc như một phần trong khoản đầu tư mới nhất trị giá 1 tỉ USD. Trong bốn năm qua, các công ty sản xuất chip lớn nhất Mỹ đã bước vào một mạng lưới quan hệ đối tác “không giống ai” mà họ chưa từng trải qua ở bất cứ thị thường nào khác ngoài Trung Quốc. Vào năm 2014, Intel đã phải ký thỏa thuận với hai nhà sản xuất chip nội địa là Spreadtrum và Rockchip, nhằm tiếp thêm “một tay” cho thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng của nước này.
Mặc dù đã chịu nhiều thiệt thòi khi phải đổ nhiều tiền đầu tư, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chỉ được quyền sở hữu một phần thiểu số cổ phần khi tham gia với các đối tác địa phương, đồng thời còn không được luật pháp Đại lục cho phép xây dựng thương hiệu dịch vụ hợp tác dưới tên riêng của mình. Trong trường hợp, nếu Mỹ làm căng các quy định liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc có thể sẽ phạt các “ông lớn” công nghệ của Mỹ như Apple, hoặc hạn chế nhập khẩu xuống mức tối thiểu các sản phẩm công nghệ từ Mỹ.
“Chính sách chuyển giao công nghệ cưỡng bức của Trung Quốc nằm trong số những thách thức lớn mà các nhà đổi mới Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Mỹ đang làm việc tại đó phải giải quyết”, thượng nghị sĩ Ron Wyden bang Oregon, nói trong lá thư gửi đến ông Lighthizer vào hôm 2.8.

Phương Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận