Đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 9/2016

Đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 9/2016

Đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công quốc gia từ tháng 9/2016

Theo Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, một trong những nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ là thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cảdịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nghị quyết 36aCP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết 36a, bên cạnh các nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản, hoàn thành trước ngày 1/1/2016; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 1/3/2016…, Văn phòng Chính phủ cũng được Chính phủ giao thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, theo kết quả thực hiện rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, hiện tại có hơn 6.300 thủ tục hành chính công ở 4 cấp chính quyền. Trong đó, hầu hết các thủ tục hành chính này đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2 (cho phép sử dụng mẫu đơn được tải từ mạng Internet).

Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 xác định rõ, đến năm 2020, các bộ ngành, địa phương có 135 dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, trong đó các bộ ngành Trung ương là 82 dịch vụ công và của các địa phương là 53 dịch vụ công.

Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức ở mức độ 3, 4 được ưu tiên cung cấp trong năm 2016 và lập kế hoạch, chọn phương án để xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia là nơi tích hợp tất cả các dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Theo kế hoạch, trong quý I/2016, Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng và vận hành thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến, thời gian đưa Cổng này vào hoạt động là tháng 9/2016.

Đối với việc nhiệm vụ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 1/3/2016, theo Văn phòng Chính phủ, đơn vị này đã xây dựng trang tin điện tử công khai tiến độ giải quyết hồ sơ và chủ động đôn đốc các bộ, ngành, địa phương cung cấp số liệu. Đến hết ngày 15/1/2016, đã có 1 cơ quan ngang bộ và 16 tỉnh, thành phố kết nối, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Bên cạnh đó, hiện Văn phòng Chính phủ cũng đã thiết lập trang tin doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn để cung cấp, công khai thông tin, dữ liệu về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác sắp xếp, đổi mới DN nhà nước; tình hình hoạt động, tình trạng cổ phần hóa DN nhà nước; thông tin đăng ký DN và đăng ký đầu tư; số liệu liên quan đến các DN đã và đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Thông tin về các DN chuẩn bị IPO được cập nhật trực tuyến từ các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận