Giải mã bí ẩn cãi nhau trên "phây" chỉ khiến ta bực mình

Giải mã bí ẩn cãi nhau trên "phây" chỉ khiến ta bực mình

Tại sao những cuộc tranh luận trên Facebook hay các mạng xã hội khác thường dẫn tới sự tranh cãi và phần lớn kết thúc trong sự hậm hực, bực tức? Khoa học có lời lý giải cho việc này.

Nếu không phải hàng trăm, ít nhất cũng hàng chục lần bạn đã thấy hoặc trải nghiệm chuyện này.
Bạn đăng ý kiến cá nhân, những lời phàn nàn hay đường dẫn của một bài báo nào đó lên trang Facebook cá nhân. Ai đó nhảy vào bình luận không đồng ý (hoặc đồng ý) với những gì bạn vừa đăng. Lại một người khác xuất hiện và không tán thành với ý kiến của người nhận xét đầu tiên, hoặc với bài viết của bạn, hoặc thậm chí cả hai.
Giải mã bí ẩn cãi nhau trên phây chỉ khiến ta bực mình
Ít nhất một lần bạn đã trải nghiệm hoặc chứng kiến ai đó tranh cãi trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình 
Rồi những người thứ ba, thứ tư và thứ n nữa nhảy vào để thêm quan điểm của riêng họ. Bầu không khí bắt đầu bị thổi phồng lên, căng như quả bóng. Những từ ngữ khó nghe bắt đầu được sử dụng. Chẳng bao lâu sau, quả bóng bị nổ, bạn và những người bạn của bạn lao vào cuộc la hét ỏm tỏi trên mạng, với đủ ngôn từ và cách diễn đạt sau đó khiến đối phương cảm thấy bẽ mặt và tổn thương nhất.
Điều đó thậm chí còn xảy ra với cả những người bạn chưa bao giờ gặp. Nhưng tại sao chúng ta lại làm vậy?
Hóa ra, có một lý do rất đơn giản cho việc này: Chúng ta phản ứng rất khác với những gì người khác viết so với khi họ nói, ngay cả khi chúng cùng một nội dung.
Đó là kết quả từ một thí nghiệm xã hội hấp dẫn mà Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago tiến hành cách đây không lâu. 300 người đã được lựa chọn cho cuộc nghiên cứu.
Những người này hoặc được cho đọc, hoặc xem video hoặc được nghe các luận điểm về những chủ đề nóng như chiến tranh, nạn phá thai, nhạc đồng quê hay nhạc rap. Sau một lượt, họ sẽ được phỏng vấn về phản ứng của họ trước các ý kiến mà họ không đồng ý.
Và nhóm nghiên cứu đã có được những câu trả lời thú vị.
Không cùng đẳng cấp nên không thèm chấp?
Câu trả lời chung của những người được phỏng vấn có lẽ rất quen thuộc và là một niềm tin rộng rãi đối với những ai hay thảo luận về các vấn đề chính trị: những người không tán thành ý kiến của tôi là bởi vì họ quá ngu hoặc không thèm quan tâm tới vấn đề đó để biết nó rõ hơn.
Thế nhưng lại có sự khác biệt rõ ràng giữa những người đã nghe hoặc xem trực tiếp một cá nhân nào đó nói so với người chỉ đọc lại những dòng ghi lại những gì cùng cá nhân đã phát biểu. Những người đã xem hoặc nghe trực tiếp có xu hướng ít khi nghĩ cá nhân này không am hiểu vấn đề hoặc là con người vô cảm hơn những người chỉ đọc chữ.
Kết quả này không gây ngạc nhiên ít nhất cho một thành viên trong nhóm nghiên cứu, người đã tự tiến hành thí nghiệm tương tự với chính nhóm của mình.
"Một người trong số chúng tôi đã đọc một câu nói được trích dẫn của một ông chính trị gia trên tờ báo giấy và thấy cực kỳ bất mãn với kiểu nhận xét đó', bà Juliana Schroeder nói với báo Washington Post.
"Một tuần sau đó, ông ta nghe lại chính câu nói này, lúc đó đang được đọc trên đài phát thanh, và ông hoàn toàn bị sốc bởi cách phản ứng của mình khi đọc và nghe. Trong khi ông nghĩ rằng câu nói của vị chính trị gia kia trên báo là quá quắt, ông lại cảm thấy "cũng hợp lý chút chút" khi nghe lại".
Chúng ta đang sử dụng sai phương tiện
Kết quả của nhóm nghiên cứu lại một lần nữa chỉ ra rằng cách tốt nhất để những người bất đồng quan điểm giải quyết sự khác biệt, hiểu rõ nhau hơn hay tìm cách thỏa hiệp là nói chuyện trực tiếp, tức là "miệng nói tai nghe", chứ không phải bằng những dòng chữ gõ trên Facebook.
Nhưng xã hội ngày này đã tạo ra quá nhiều thứ tiện ích, mạng xã hội quá mạnh đến nỗi chúng ta sẽ chẳng đếm được có bao nhiêu tương tác hàng ngày của chúng ta được thực hiện thông qua hình thức nói chuyện. Những biểu tượng cảm xúc (emoji) trên Facebook hay các mạng xã hội khác được tạo ra để giúp chúng ta thể hiện tâm trạng của chính mình hay hình dung được người kia đang như thế nào.
Nhưng tại sao chúng ta lại mất thời gian để gõ những ký tự đôi khi không phản ánh đúng tâm trạng của mình hay người khác ấy, trong khi những cuộc giao tiếp bình thường bằng lời nói, thứ đã xuất hiện từ khi chúng ta còn "ăn lông ở lổ?
Và làm thế nào để chấm dứt hay hạn chế những tranh cãi mất thời gian và sứt mẻ tình cảm trên mạng xã hội như Facebook?
Nếu bạn một thuyết phục người khác bằng quan điểm riêng hoặc một đề xuất hành động, hãy học cách tự dựng một video clip ngắn thay vì viết chúng ra.
Hãy tập suy nghĩ và giữ điều này mỗi khi bạn đọc bất kỳ điều gì bạn nhìn thấy dưới dạng văn bản: đó chỉ là một phần của vấn đề hay sự thật. Và nếu muốn khách quan, hãy đọc to những điều đó lên hoặc nhờ người khác đọc cho bạn nghe.
Cuối cùng, nếu bạn chẳng may đang ở giữa một cuộc tranh cãi trên Facebook (hay Twitter, hay Instagram, email, văn bản) và người bên kia là người đáng quan tâm, đừng tiếp tục bình luận hay phản hồi lại những phản hồi của những phản hồi dài ngoằng nữa.
Đứng trước đám đông cư dân mạng, khi tất cả mọi thứ được phơi bày qua từng con chữ và ai cũng có thể đọc, người ta thường khó tha thứ cho nhau và kết quả là họ mất luôn tình bạn, tình yêu chỉ vì muốn người khác thấy "Tôi mới là người đúng".
Thay vì sôi máu và gõ bàn phím ầm ầm, hãy hẹn nhau ra uống một li cà phê để nói chuyện, hoặc cách đơn giản và nhanh nhất là nhấc điện thoại lên và gọi.
Theo Bảo Duy/Tuổi Trẻ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận