Hà Giang: Sẽ phát triển trọng tâm dược liệu và du lịch

Hà Giang: Sẽ phát triển trọng tâm dược liệu và du lịch

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định rõ hai khâu đột phá để phát triển kinh tế: Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chọn dược liệu và du lịch là những lĩnh vực phát triển trọng tâm.

Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết như vậy trong buổi làm việc cùng Đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ do ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm trưởng đoàn. Buổi làm việc diễn ra ngày 23/9.

Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN của Hà Giang cho thấy, giai đoạn 2015-2017, tỉnh được giao trên 100 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI đã xác định rõ hai khâu đột phá, trong đó có đột phá về ”ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất”.

Ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đến năm 2020 và tổ chức triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tỉnh đã thực hiện 19 đề tài, dự án cấp tỉnh về KH&CN, 5 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi (NTMN), 4 dự án thuộc Chương trình 68 và 13 nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN Tây Bắc.

Hiện toàn tỉnh đã có 67 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, thông qua sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, 4 sản phẩm đặc sản đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, Hà Giang là một trong những tỉnh có chỉ số ứng dụng CNTT thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng khẳng định, mặc dù KH&CN đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của Hà Giang nhưng xuất phát điểm kinh tế của tỉnh thấp dẫn đến trình độ KH&CN còn hạn chế so với mặt bằng chung cả nước, KH&CN vẫn chưa thể hiện rõ vai trò động lực cho sản xuất. Ông Vinh cũng thừa nhận Hà Giang chưa có nhiều công trình khoa học mang tính đột phá.

“Việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, rất ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và chưa chú trọng đến ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh” - ông Vinh nói.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển KH&CN tỉnh Hà Giang trong những năm vừa qua: “Mặc dù là một tỉnh miền núi vẫn còn khó khăn nhưng tỉnh vẫn quan tâm, đầu tư cho phát triển KH&CN, thực hiện thành công nhiều dự án với sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đem lại nhiều kết quả thiết thực phục vụ cho phát triển KT-XH của tỉnh”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng tiềm lực KH&CN của tỉnh đuợc tăng đáng kể, đặc biệt là nhân lực khoa học đuợc tỉnh chú trọng.

Đưa ra gợi ý Hà Giang cần chú trọng hơn nữa trong việc tăng cuờng "sức khỏe" cho doanh nghiệp trên địa bàn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao KH&CN vào cuộc sống, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực đời sống - xã hội, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ngoài thị trường; thực hiện các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường nhân lực quản lý, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; xây dựng chính sách đi đôi với nội dung thực hiện cụ thể.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Đoàn công tác Bộ KH&CN cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Đài hương 468, xã Thanh Thủy và nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Vị Xuyên).

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng cũng có buổi làm việc với Sở KH&CN Hà Giang. Trao đổi với cán bộ, công nhân viên chức của sở, Bộ trưởng cho biết, Nhà nước đang rất cần những người trẻ, nhà khoa học trẻ có năng lực về làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, với chính sách đãi ngộ như hiện nay thì việc giữ chân họ là một vấn đề rất khó khăn; và làm thế nào để thu hẹp khoảng cách về sự hấp dẫn giữa nhà nước-doanh nghiệp-tổ chức cá nhân bên ngoài đang là vấn đề đặt ra với Bộ KH&CN.

Bộ trưởng mong muốn Sở KH&CN sẽ là cánh tay nối dài của bộ ở địa phương. Mỗi cán bộ của sở phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ để tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, xã hội những vấn đề về KH&CN (các văn bản, chính sách pháp luật về KH&CN…).

Trước đó, ngày 22/9, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đi thăm phòng nuôi cấy mô sản xuất các loại giống cây lâm nghiệp, dược liệu của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường tại huyện Vị Xuyên; thăm vườn trồng dược liệu của Công ty cổ phần phát triển dược liệu An Vy tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ); kiểm tra chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò tại xã Thanh Vân (Quản Bạ); thăm gian hàng trưng bày quả hồng không hạt tại lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận