Hà Nội: 32% dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4

Hà Nội: 32% dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4

32% dịch vụ công của Hà Nội đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4

Một nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT Thủ đô trong năm 2018 là tiếp tục triển khai mạnh các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa. Nguồn: ict-hanoi.gov.vn)

Thông tin về những kết quả đã đạt được trong công tác TT&TT của TP.Hà Nội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 tại buổi gặp mặt báo chí đầu Xuân Mậu Tuất 2018 được tổ chức mới đây, đại diện Sở TT&TT cho biết, một trong những kết quả nổi bật ngành TT&TT Thủ đô năm vừa qua là các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT đã được triển khai tích cực, đồng bộ, mang lại những kết quả thiết thực, tạo bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Cụ thể, trong năm 2017, Thành phố đã tiếp tục duy trì thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính; kết nối mạng diện rộng - WAN tới các sở, ban, ngành, 30 UBND quận/huyện/thị xã và 584 UBND xã/phường/thị trấn. Thực hiện đầu tư trang thiết bị CNTT đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ cán bộ, công chức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trực tuyến.

Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành nội bộ, đạt tỷ lệ 85% văn bản chuyển nhận giữa các đơn vị được luân chuyển trên mạng, 100% cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc. Công tác an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của Thành phố được đảm bảo. Thời gian qua, Sở TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng CNTT của Thành phố.

Đặc biệt, trong năm 2017, Sở TT&TT Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành chính thức 81 dịch vụ công trực tuyến tới 10 Sở, 30 quận/huyện/thị xã và 584 xã/phường/thị trấn, đồng thời tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ chuyên ngành triển khai cho Thành phố, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của Thành phố lên 453 dịch vụ. Trên cơ sở danh mục dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 năm 2017 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, Sở đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai. “Hết năm 2017, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Thành phố đạt 32%. Thành phố cũng đang tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho hay.

Trong năm qua, Sở TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện của Thành phố trong việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được áp dụng như: phát hành tờ rơi, poster tuyên truyền ở bộ phận một cửa của các đơn vị; xây dựng các phóng sự phát thanh, truyền hình… để hướng dẫn cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 đợt kiểm tra công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, Sở TT&TT Hà Nội đã hoàn thành triển khai cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ ngập úng trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố. Hoàn thành thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trong giữ xe ô tô qua điện thoại di động iPracking.

Cũng theo đại diện Sở TT&TT Hà Nội, hiện cơ quan này đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai những thành phần quan trọng trong xây dựng Thành phố thông minh như Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh, thống du lịch thông minh...

Trong kế hoạch công tác năm 2018, với lĩnh vực CNTT, Sở TT&TT Hà Nội đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 là triển khai có hiệu quả Nghị quyết điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành như: duy trì Trung tâm dữ liệu nhà nước và triển khai Trung tâm dữ liệu dự phòng; duy trì hạ tầng mạng diện rộng - WAN kết nối cơ quan chính quyền các cấp; Hình thành Trung tâm giám sát, điều hành CNTT của Thành phố và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh như giao thông, y tế, du lịch, giao dục thông minh… Tiếp tục triển khai hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ triển khai ứng dụng CNTT theo định hướng của Trung ương và Thành phố. Việc triển khai các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi, chia sẻ và các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành sẽ được thực hiện theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ thông tin đến các đơn vị của Thành phố.

Các nhiệm vụ trọng tâm khác cũng sẽ được Sở TT&TT Hà Nội tập trung triển khai trong năm nay là: hoàn thiện hệ thống ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ như phần mềm quản lý văn bản và điều hành thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn Thành phố, kết nối với Văn phòng Chính phủ; nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, sử dụng thiết bị CNTT trong phục vụ công tác điều hành tác nghiệp; tăng cường triển khai ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận