Hàn Quốc thay đổi chính sách để thích nghi CMCN 4.0

Hàn Quốc thay đổi chính sách để thích nghi CMCN 4.0

Giá trị cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Chính phủ Hàn Quốc xác định là thay đổi chất lượng cuộc sống con người.

Nỗ lực đầu tư cho R&D

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã không ngừng tăng cường ngân sách cho nghiên cứu và phát triển với tư duy phát triển kinh tế phải dựa trên phát triển của khoa học và công nghệ , theo chia sẻ từ ông Shin Sang Yeol – Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương – Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, truyền thông (MSIT) Hàn Quốc.

Cụ thể năm 2013 ngân sách của chính phủ đầu tư vào R&D là 14,5 tỉ USD, và liên tiếp cho các năm sau là 15,3 tỉ USD, 16,2 tỉ USD và 16,3 tỉ USD. Hiện nay, mức đầu tư cho KH&CN tính theo tỷ trọng GDP của Hàn Quốc đang đứng thứ hai trên thế giới, ông Shin Sang Yeol cho biết.

Sẵn lòng chi một cách rộng rãi như vậy cho KH&CN, lĩnh vực đặc thù rất khó để nhìn thấy thành quả ngay lập tức, tuy nhiên khi đến với CMCN 4.0, Hàn Quốc lại hướng tới mục tiêu thực dụng hơn, đó là tập trung cải thiện chất lượng đời sống người dân, ông Shin Sang Yeol cho biết.

Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In sau khi đắc cử năm 2017 đã coi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trong những vấn đề lớn và là nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia. Ông cho thành lập MSIT (tiền thân là Bộ Khoa học, ICT, hoạch định tương lai của Hàn Quốc trước đây) để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, sau đó một hệ thống nghiên cứu phát triển đa quốc gia với tên gọi là I Korea 4.0 cũng ra đời.

Hàn Quốc thay đổi chính sách để thích nghi CMCN 4.0
Nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu cơ bản đang nghiên cứu vật liệu nano mới. Ảnh: KBSI

Mục tiêu của I Korea 4.0 trong giai đoạn hiện nay, theo lời ông You Young Min - Bộ trưởng MSIT, là thực hiện các hướng nghiên cứu công nghệ ứng dụng phục vụ trực tiếp đời sống con người, trong đó chính sách chính hướng các dự án nghiên cứu tới việc phát triển hạ tầng siêu kết nối thông minh, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và cải thiện chất lượng đời sống của người dân. Các dự án R&D tập trung nghiên cứu về động đất, hạn hán, thức ăn, thực phẩm được xem là chủ đề ưu tiên.

Để thực hiện được mục tiêu này các chính sách quản lý của Hàn Quốc cũng thay đổi rất nhiều, trước hết là thời gian xét duyệt các đề tài nghiên cứu giảm đi, ông Shin Sang Yeol cho biết. Nếu như trước đây thời gian xét duyệt là hơn một năm thì nay giảm xuống chỉ còn sáu tháng. Do đó số lượng dự án đi vào thực hiện nhiều hơn. Nhằm hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo, một môi trường nghiên cứu ổn định cũng được thiết lập, trong đó có việc tăng cường quỹ dành cho những nhà nghiên cứu trẻ hoặc những người nghiên cứu viên là nữ đã được thực hiện. Cùng với đó, Hàn Quốc ban hành chính sách để các nhà nghiên cứu nữ đã từng phải nghỉ việc do kết hôn hoặc sinh con có thể quay lại với công việc.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có chính sách thưởng cho các đề tài nghiên cứu hoàn thành sớm trước thời gian dự kiến. Ví dụ với những đề tài có thời hạn làm trong 3 năm mà hoàn thành sớm hơn sẽ có thưởng hoặc phần hỗ trợ tương ứng.

Phá bỏ rào cản giữa các bộ, ngành

Với các dự án 4.0, MSIT đóng vai trò làm đầu mối, điều phối các dự án liên quan trong việc phân phối tài nguyên, nhân lực và tài chính, cũng như đánh giá thẩm định. Khi có dự án đề xuất, các cơ quan phụ trách tài chính quốc gia thẩm định báo cáo tiền khả thi chỉ đánh giá về mặt tài chính để xem có cấp ngân sách hay không. Việc đánh giá nhu cầu của thị trường đối với dự án không do cơ quan tài chính đưa ra, vì cơ quan làm tài chính không nắm bắt được hết thông tin khi công nghệ phát triển từng ngày.

Như vậy, việc hình thành một cơ chế quản lý tập trung đối với các vấn đề liên quan đến nghiên cứu triển khai và phá bỏ rào cản giữa các bộ, ngành là một trong những yêu cầu quan trọng khi xây dựng và phát triển trụ cột hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hay thiết kế các chương trình quốc gia để ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Hàn Quốc. Đây có thể xem là một sự thay đổi lớn về quản lý hành chính và được Chính phủ Hàn Quốc xác định là vấn đề mấu chốt.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN Quốc gia – Bộ KH&CN, một trong những khác biệt cơ bản của Việt Nam so với Hàn Quốc là “đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học hiện đang chiếm con số tương đối nhỏ”, bởi vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư cho KH&CN còn hạn chế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ trọng đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp chỉ khoảng 1% GDP và tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Còn khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D).

Để khắc phục tình trạng này, trong tương lai việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần chú trọng các chính sách: hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, chuyển dịch nhân lực KH&CN từ viện, trường sang doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; ngoài việc hỗ trợ sáng tạo công nghệ mới cần hỗ trợ khả năng tiếp thu, thích ứng và cải tiến những công nghệ hiện có của doanh nghiệp. Mặt khác, bên cạnh sự nỗ lực của nhà nước thì vai trò chủ động của doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận