Hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng không được gián đoạn quá 5 lần/tháng

Hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng không được gián đoạn quá 5 lần/tháng

Hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng không được gián đoạn quá 5 lần/tháng

Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành ngay trong năm nay (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: VEC)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang soạn thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Hiện dự thảo Thông tư này đang được đăng tải công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ (Chinhphu.vn) và Cổng TTĐT Bộ GTVT (mt.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Thời hạn cuối để góp ý cho dự thảo Thông tư là ngày 10/10/2018.

Theo dự thảo, Thông tư này hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT được quy định tại Điều 14 Quyết định 07 ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành ngay trong năm 2018, Thông tư áp dụng với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Dự thảo Thông tư quy định, nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải bố trí hệ thống chăm sóc khách hàng (CSKH) sử dụng dịch vụ ETC (thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng - PV) qua các hình thức: tổng đài CSKH hỗ trợ thông qua điện thoại hoặc mạng Internet; dịch vụ tư vấn tại các điểm cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ và tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.

Hệ thống CSKH của nhà cung cấp dịch vụ thu phí là kênh liên lạc và kết nối giữa các chủ phương tiện với nhà cung cấp dịch vụ thu phí để kịp thời xử lý và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động của hệ thống ETC. Các nhiệm vụ chính của hệ thống CSKH gồm: tiếp nhận, giải đáp, hỗ tợ các chủ phương tiện về các thủ tục đăng ký, thay đổi thông tin liên quan đến hoạt động của hệ thống ETC; giải quyết khiếu nại của các chủ phương tiện trong quá trình sử dụng dịch vụ ETC; tư vấn sản phẩm dịch vụ khác của nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Về sự cố trong hoạt động ETC, theo dự thảo, sự cố trong hoạt động hệ thống ETC là một sự kiện phát sinh mà không được lập kế hoạch trước, gây ra gián đoạn hoặc giảm chất lượng của dịch vụ ETC nhà cung cấp dịch vụ thu phí đang triển khai.

Căn cứ mức độ và phạm vi gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ETC, sự cố trong hoạt động của hệ thống ETC được phân thành các cấp độ: sự cố xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của cả hệ thống ETC, nếu không được khắc phục ngay sẽ làm cho toàn bộ hệ thống ETC bị ngừng hoạt động (a); sự cố ảnh hưởng đến một phần của hệ thống ETC, cụ thể làm cho một bộ phận của hệ thống ETC bị ngắt quãng hay dừng hoạt động (b); sự cố ảnh hưởng nhỏ đến hoạt động của hệ thống ETC và có giải pháp thay thế tạm thời (c); sự cố không gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ETC song cần khắc phục để bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống (d).

Nhà cung cấp dịch vụ thu phí được yêu cầu phải bố trí nhân lực xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trong hoạt động của hệ thống ETC để đảm bảo tổng thời gian xử lý sự cố tính từ thời điểm xảy ra sự cố đến thời điểm khôi phục hoàn chỉnh dịch vụ chỉ giới hạn trong khung thời gian: không quá 4 giờ với sự cố nêu tại điểm a; không quá 8 giờ với sự cố nêu tại điểm b; không quá 24 giờ với sự cố nêu tại điểm c và không quá 72 giờ với sự cố nêu tại điểm d ở trên.

Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm xây dựng quy trình theo dõi, cảnh báo và xử lý các sự cố phát sinh đối với dịch vụ ETC do mình cung cấp để đảm bảo không xảy ra thất thoát doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trong thời gian khắc phục sự cố. Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ thu phí không thể khắc phục sự cố dẫn đến thất thoát doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải thỏa thuận với nhà đầu tư để bù đắp thất thoát kể trên trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể về gián đoạn hoạt động ETC. Theo đó, gián đoạn hoạt động ETC là sự kiện dừng hoạt động ETC tại một hoặc nhiều làn hoặc toàn bộ làn thu phí của trạm ETC do dự cố trong hoạt động hệ thống ETC. Hệ thống ETC không được gián đoạn quá 3 giờ/lần gián đoạn, số lần gián đoạn không được quá 5 lần/tháng, tổng thời gian gián đoạn không được vượt quá 10 giờ/tháng.

Khi xảy ra gián đoạn hoạt động ETC tại trạm ETC, nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải thực hiện ngay các hành động và biện pháp khắc phục, bao gồm: thông báo cho Nhà đầutư trong vòng 30 phút kể từ khi xảy ra sự kiện gián đoạn; ngay khi có thể, áp dụng thu phí theo hình thức một dừng tại làn thu phí bị gián đoạn.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng cũng quy định về thẻ đầu cuối và tài khoản trả trước; sử dụng, quản lý, kết nối dữ liệu từ ETC; quy trình chuyển tiền; và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động hệ thống ETC.

Trong đó, đáng chú ý, tại dự thảo Thông tư, Bộ GTVT đã đưa ra các chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động ETC, với các trường hợp như: xử phạt do không chấp hành công tác báo cáo; xử phạt do gian lận, báo cáo sai số thu; xử phạt do không thực hiện lưu trữ dữ liệu của hệ thống ETC; phạt do chậm xử lý các sự cố xảy ra trong hoạt động của hệ thống ETC...

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận