Jerusalem: Những bước đầu tiên của chính quyền giúp phát triển hệ sinh thái địa phương

Jerusalem: Những bước đầu tiên của chính quyền giúp phát triển hệ sinh thái địa phương

Chính quyền địa phương có khả năng đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Jerusalem là một ví dụ điển hình.

Một buổi gặp gỡ cộng đồng công nghệ do tổ chức thúc đẩy kinh doanh Siftech tổ chức ở Jerusalem, 2017
Một buổi gặp gỡ cộng đồng công nghệ do tổ chức thúc đẩy kinh doanh Siftech tổ chức ở Jerusalem, 2017

Cách đây hơn 10 năm, nơi đây không có HST khởi nghiệp mặc dù vẫn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, không có nhiều kết nối giữa khu vực nhà nước, công ty, trường học và nhà đầu tư; hạ tầng kỹ thuật ở mức trung bình. Tại Israel thời kì trước năm 2012, người trẻ khởi nghiệp sẽ tìm đến thủ đô Tel Aviv chứ không phải đến thành phố cổ kính này.

Jerusalem đã làm gì để thay đổi? Thị trưởng thành phố Nir Barkat (2008-2018) là một doanh nhân công nghệ có tầm nhìn và nhận thấy rằng cần tạo điều kiện tốt nhất để thu hút những người trẻ tuổi, tài năng và sáng tạo đến sinh sống bởi theo ông “Họ là nguồn nuôi sống hai động lực kinh tế chính của nơi này là công nghệ cao và văn hóa-du lịch”.

Chính quyền địa phương ưu tiên phát triển các trường đại học, cao đẳng theo hướng trở thành mỏ neo cho hệ sinh thái; khuyến khích trường lập nên những văn phòng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm; xin được chính phủ giảm thuế cho các công ty mới ở Jerusalem; và tự tổ chức các sự kiện quảng bá về môi trường khởi nghiệp của mình với thế giới. Cơ quan Phát triển Jerusalem (JDA) đã nâng cấp hạ tầng cho thành phố để đảm bảo kết nối internet “sẽ nhanh gấp 10 lần Tel Avi”, nâng cấp đường dành cho xe đạp, công viên, khu nhà ở, trung tâm đổi mới sáng tạo… Ông Nir Barkat đã dẫn dắt khởi nghiệp với phương thức “nếu lần đầu không được,hãy cứ tiếp tục đi lên phía trước bởi ta càng kiên trì và ngoan cường thì cơ hội càng tăng.”

Trong tất cả mọi công việc mà địa phương nỗ lực làm thì kết nối mới là điểm thực sự tạo nên thành công của hệ sinh thái. Ban đầu, JDA tạo điều kiện để bất kì ý tưởng khởi nghiệp mới chớm nở có thể phát triển bằng cách rất đơn giản là mang tất cả thành tố - doanh nhân trẻ, nhà công nghiệp giàu kinh nghiệm và nhà đầu tư thăm dò – vào một căn phòng để họ nói chuyện.

“Những cuộc tụ họp không chính thức như thế đã giúp xây dựng cộng đồng ban đầu. Nếu không có chúng sẽ không có đủ luồng thông tin để các bên hợp tác. Khi các sự kiện đông và thường xuyên hơn, ta sẽ thấy có những tương tác tình cờ có thể đẩy ý tưởng lên”, Helen Wexler, đại diện của JDA cho biết. Giờ đây, sự khôn ngoan này đã trở nên phổ biến trong giới khởi nghiệp, những sự kiện kết nối (networking) không còn bất kì sự tham gia nào từ phía khu vực công JDA, thay vào đó các công ty tư nhân lớn nhỏ đang cạnh tranh nhau để tài trợ cho những buổi gặp gỡ cộng đồng.

Bằng những nỗ lực táo bạo như vậy, chỉ sau hơn 5 năm, Jerusalem đã kêu gọi được tài năng và nguồn lực về đây. Các công ty nổi tiếng thế giới như Cisco, Mobile Life, Intel và Facetune đã tìm đến cùng hàng trăm quỹ đầu tư. Số lượng startup cũng tăng lên nhanh chóng, theo tờ báo The Jerusalem Post, tổng số công ty thành lập mới năm 2016 tại đây đạt gần 600 công ty và lượng vốn đổ về lên tới 250 triệu USD. Tiềm năng của địa phương này vẫn đang tiếp tục được khai phá.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận