Không nên ưu đãi vô điều kiện công nghiệp ưu tiên

Không nên ưu đãi vô điều kiện công nghiệp ưu tiên

Không nên ưu đãi vô điều kiện công nghiệp ưu tiên

Chỉ nên hỗ trợ, ưu tiên những ngành có năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển. Ảnh Internet.

Theo quan điểm của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” vừa diễn ra tại Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp.

Trong đó, vấn đề lựa chọn lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp và đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp là hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm đang được đặt ra.

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên, mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào.

Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó, chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh đến vấn đề nếu ưu tiên nhiều quá sẽ trở thành dàn trải, tạo ra nhiều hệ lụy khiến ngành công nghiệp ưu tiên không có năng lực cạnh tranh để đủ sức bước ra khỏi phạm vi quốc gia.

Trao đổi thêm, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng chính phủ nên cắt giảm một loạt các sản phẩm ưu tiên, chỉ nên tập trung vào những ngành có năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển để không phải dàn trải năng lực vốn đã hữu hạn.

Chính sách ưu tiên với các ngành cần phải có thời hạn và kết quả. Ví dụ như trong thời gian từ 5-7 năm phải tạo ra được năng lực cạnh tranh, nâng cấp được công nghệ và phải xuất khẩu được. Chính phủ cũng không được ưu đãi, hỗ trợ vô điều kiện cho các doanh nghiệp mà chỉ có doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường mới xứng đáng nhận được hỗ trợ hoặc ưu đãi để phát triển hơn nữa.

Trao đổi thêm tại hội thảo, tiến sỹ Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cũng nêu ra hàng loạt thách thức trong bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến công nghiệp Việt Nam đó là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, năng lực công nghệ thấp kém, các điều kiện bảo đảm cho tăng trưởng công nghiệp thiếu và không ổn định.

Ông Dương Đình Giám đề xuất một số định hướng về chính sách phát triển cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035 đó là điều chỉnh cơ cấu đầu tư; lựa chọn ngành ưu tiên, mũi nhọn; phát triển công nghiệp hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nội địa thông qua hàng rào kỹ thuật.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tập trung vào 3 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tập trung vào 4 nhóm ngành cơ khí và luyện kim (ưu tiên sản phẩm máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, ô tô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo, đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới); nhóm ngành hóa chất ưu tiên hóa chất cơ bản, hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa – cao su kĩ thuật…

Ngành điện tử và viễn thông ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện; phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và điện tử y tế.

Ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo tập trung phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối - biomass; năng lượng nguyên tử…

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận