Muốn thúc đẩy thương mại điện tử phải xây dựng nông thôn thông minh hơn

Muốn thúc đẩy thương mại điện tử phải xây dựng nông thôn thông minh hơn

Muốn thúc đẩy thương mại điện tử phải xây dựng nông thôn thông minh hơn

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM

Tại hội thảo về tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam do Amcham tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã nêu ra vấn đề khoảng cách lớn giữa nông thôn và đô thị trong phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hưng cũng đặt vấn đề, Việt Nam đang thúc đẩy ưu tiên xây dựng thành phố thông minh hơn nhưng ở góc độ phát triển thương mại điện tử thì VECOM  đặt vấn đề xây dựng đô thị thông minh cấp thiết hơn, hay là xây dựng nông thôn thông minh lại quan trọng hơn.

Bởi vì hiện nay, tỷ lệ dân số nông thôn chiếm tới 70%, và ở góc độ thương mại điện tử thì VECOM phát hiện ra rằng nếu không đẩy nhanh số hóa về khu vực nông thôn sẽ không phát triển thương mại điện tử nhanh chóng được.

Hiệp hội VECOM đặt ra kế hoạch đến năm 2025 sẽ thúc đẩy nông thôn thông minh hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, vì nếu không thay đổi tỷ trọng thương mại điện tử giữa nông thôn và thành thị thì sẽ khó đưa thương mại điện tử Việt Nam phát triển đột phá trong những năm tới.

Những năm trước thương mại được định hướng thúc đẩy mạnh bởi tầng lớp có thu nhập trung lưu ở thành phố, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế số, tình hình bắt đẩu thay đổi, việc thúc đẩy tiêu dùng thương mại điện tử không phải ở tầng lớp trung lưu nữa mà là của tầng lớp tiêu dùng kết nối, chính tầng lớp kết nối mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

VECOM nhận định đến năm 2025 tầng lớp người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm vị trí quan trọng trong tỷ trọng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Tầng lớp tiêu dùng kết nối sẽ giúp thương mại điện tử tăng trưởng nhanh hơn, không chỉ có tầng lớp trung lưu ở thành phố, mà Việt Nam có 58 triệu người kết nối Internet trong số đó có nhiều người ở khu vực nông thôn kết nối Internet.

Hiện có một số nền tảng kết nối với nhau trên quy mô toàn cầu, một cuộc cách mạng nền tảng đã thâm nhập mạnh vào trong nước, các ứng dụng Facebook, Zalo, Uber, Grab... là những kết nối quan trọng với người tiêu dùng Việt Nam. Để giúp cho các ứng dụng kết nối phát triển nhanh hơn, thúc đẩy nhanh hơn sự kết nối các tập đoàn, công ty công nghệ đã phát triển các công nghệ di động, đám mây, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, giúp người Việt Nam kết nối thuận tiện và an toàn hơn.

Ông Hưng cho rằng, thương mại điện tử Việt Nam trong vòng vài năm qua phát triển nhanh nhưng ở mức độ ban đầu rất thấp. Các khảo sát nghiên cứu đánh giá đều khẳng định tốc độ phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, cao hơn mức trung bình thế giới 24%, nhưng VECOM đánh giá tốc độ thực tăng cao hơn nhiều lên tới 35%.

Nhưng trên thực tế đang có sự mất cân đối lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị về thương mại điện tử. Do đó, các nhà làm chính sách cần chú trọng để đảm bảo thương mại điện tử phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Trong 7 năm qua, chỉ số thương mại điện tử cho thấy riêng Hà Nội và TP.HCM chỉ có 1/6 dân số, chiếm tới 80% quy mô thương mại điện tử, tỷ trọng này không thay đổi trong suốt 7 năm qua. Nếu Chính phủ không làm gì thì tỷ trọng này sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tới. Chừng nào hai thành phố lớn vẫn chiếm lĩnh thì thương mại điện tử Việt Nam không lớn nhanh và mạnh được.

“Cách đây 20 năm, các nhà quản lý đã có suy nghĩ ngây thơ nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, nhưng đến nay thực tế cho thấy rằng thương mại điện tử ngày càng tạo khoảng cách lớn giữa nông thôn và thành thị”, ông Hưng phát biểu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận