Phát minh mới: Keo y tế giúp vết thương hở mau lành

Phát minh mới: Keo y tế giúp vết thương hở mau lành

Để đóng miệng các vết thương hở, các bác sĩ thường phải dùng các loại chỉ tự tiêu để khâu, hoặc dùng bấm kim y tế, tuy nhiên cả hai cách nêu trên đều không làm cho vết thương hoàn toàn kín miệng được.

Phát minh mới: Keo y tế giúp vết thương hở mau lành

Theo Engadget, đối với các vết rách ở bên trong cơ thể tại các vị trí rất khó để thực hiện việc khâu kim, hoặc vết rách trên các cơ quan nội tạng thường xuyên co giãn , thì hai phương pháp nêu trên hầu như không hiệu quả. Một hướng giải quyết vấn đề này là sử dụng các loại keo dán, nhưng trên thị trường hiện nay chưa có loại keo nào đạt các tiêu chuẩn để có thể được sử dụng một cách hiệu quả trong ngành y tế.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northeastern đã phát triển thành công một loại keo dán y tế có thể thỏa mãn mọi yêu cầu khắt khe trong phẫu thuật.

Nasim Annabi, tác giả của nghiên cứu cho biết:

"Keo phẫu thuật tốt cần đáp ứng các tiêu chí: co giãn tốt, độ dính cao, không độc hại và tương thích sinh học. Hầu hết các loại keo trên thị trường đều chỉ có một hoặc hai thuộc tính trên. Sản phẩm của chúng tôi có tên gọi là MeTro, hoàn toàn tương thích sinh học bởi được tạo ra bằng các protein tương tự như protein tạo nên chất elastin trong cơ thể người. Bằng cách thay đổi sự tập trung của các protein đó, chúng tôi đã tạo ra được keo nước MeTro với các cấp độ đàn hồi khác nhau. Đặc biệt, MeTro sẽ khô chỉ trong 60 giây dưới tác dụng của tia UV".

MeTro hiện đã được thử nghiệm trên chuột để đóng miệng các vết rách trên động mạch, cũng như các lỗ thủng trên phổi, đồng thời nó cũng thành công khi thử nghiệm trên phổi heo, dưới điều kiện phổi liên tục phồng lên và xẹp xuống. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ thử nghiệm trên cơ thể người trong thời gian đến.

"Tính ứng dụng của loại keo này là rất lớn, từ việc chữa trị các nội thương nghiêm trọng ngay tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông hay trên chiến trường, đến việc nâng cao tính hiệu quả của việc đóng miệng các vết rạch trong phẫu thuật tại bệnh viện", Anthony Weiss, nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney và đồng tác giả nghiên cứu cho biết thêm.

Tấn Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận