Phát triển đô thị thông minh: Mấu chốt ở quan hệ chính quyền - người dân

Phát triển đô thị thông minh: Mấu chốt ở quan hệ chính quyền - người dân

Đa số các đề xuất phát triển đô thị thông minh hiện nay chủ yếu tập trung vào khía cạnh giải pháp công nghệ, trong khi các chuyên gia cho rằng thách thức chính nằm ở môi trường xã hội.

Theo ông Lê Duy Tiến – Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm gần đây các địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng chính phủ điện tử, vì vậy tư duy chính phủ điện tử ảnh hưởng khá lớn đến phương pháp tiếp cận của họ đối với đô thị thông minh.

Theo xu hướng này các công ty viễn thông đóng vai trò tích cực trong việc đề xuất các giải pháp đô thị thông minh cho chính quyền địa phương. Đến nay, có gần 30 tỉnh/thành đã ký thoả thuận hợp tác với công ty viễn thông như VNPT, Viettel về việc hỗ trợ xây dựng các dự án đô thị thông minh, tuy nhiên, mỗi địa phương lại đưa ra tiêu chí riêng cho đô thị của mình.

Mặt khác, sự phát triển các đô thị ở Việt Nam hiện còn thiếu sự kiểm soát, hạ tầng đô thị phát triển thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Cùng với đó việc nội địa hóa sản xuất phần cứng, phần mềm chuyên dụng cho phát triển đô thị thông minh chưa có định hướng rõ nét; thị trường các ứng dụng đô thị thông minh chưa phổ biến; mức độsẵn sàng của nguồn nhân lực đô thị còn hạn chế.

Phát triển đô thị thông minh: Mấu chốt ở quan hệ chính quyền - người dân
Mô hình thành phố thông minh của TPHCM.

Không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại về sự vào cuộc của công nghệ khi tâm lý của người dân chưa sẵn sàng. Như TS Nguyễn Trọng - Ban Cố vấn Hội Tin học TP.HCM cho rằng có hai nhóm môi trường cơ bản cần cho sự vận hành thành phố thông minh. Trước hết đó là môi trường công nghệ mà chủ yếu là giải quyết vấn đề kết nối, đây là điều không quá khó khăn. Tuy nhiên, nhóm thứ hai là môi trường xã hội, bao gồm các điều kiện về hệ thống luật pháp, nền tảng đạo đức, trình độ dân trí…, “là vấn đề rất phức tạp” và chưa được đánh giá đúng trong đa số các đề xuất về xây dựng thành phố thông minh hiện nay, vốn chủ yếu tập trung vào vấn đề môi trường công nghệ, TS Trọng nói.

Ông Peter Portheine - Giám đốc Chương trình Thành phố Thông minh – Brainport – Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm, để phát triển đô thị thông minh thành công trước hết cần có thử nghiệm ở cấp độ và quy mô nhỏ. Tức là phải có những phòng “thí nghiệm sống” ứng dụng sáng chế ở cấp độ vừa phải. Sau khi chạy thử có kết quả mới triển khai ứng dụng rộng.

Điều đó có nghĩa cần phải thiết kế kế hoạch với người dân và các bên liên quan, bởi mọi tác động nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bằng các tiện nghi công nghệ đều đòi hỏi thời gian để họ thích ứng với phương tiện và cách làm mới.

“Nên thiết kế qui hoạch phát triển đô thị thông minh với tâm thế thử nghiệm, bắt đầu từ quy mô nhỏ. Đương nhiên mọi thử nghiệm luôn phải sẵn sàng cho sự thất bại” - ông Peter Portheine thẳng thắn chia sẻ.

Cũng chung quan điểm này, ông Tiến cho rằng, vớicác nguyên tắc phát triển đô thị thông minh là lấy người dân làm trung tâm và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, dựa trên hạ tầng ICT và hệ sinh thái dữ liệu mở, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, an ninh thông tin, Đề án tổng thể về đô thị thông minh của các chính quyền địa phương phải có lộ trình dần dần, khuyến khích các đề án thí điểm làm cơ sở cho khả năng thực hiện trên diện rộng ở các đô thị có quy mô khác nhau.

Trong quá trình triển khai đó, các chuyên gia khẳng định việc xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với mỗi người dân là điểm mấu chốt. Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, chính họ sẽ góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận