Tác quyền, món tiền an ủi!

Tác quyền, món tiền an ủi!

Khi mua lúa giống RVT, nông dân miền Tây phải trả tiền tác quyền cho Vinasheed 1.000 đ/kg. Nhiều người nói sống ở đây mấy kiếp, lần đầu nghe thu tiền bản quyền lúa giống.

Thực ra giá lúa giống bao giờ cũng gấp 3 lần lúa thịt, chẳng có gì ầm ĩ cả nếu minh bạch rằng đã có tiền tác quyền trong giá bán và cam kết bồi thường nếu tính vượt trội không như quảng cáo, khẳng định rõ ràng nhà cung cấp giống được nhượng quyền bồi thường hay ai phải chịu trách nhiệm?

Nhiều nhà nghiên cứu nói hồi trước làm lúa thuần, bán lúa giống rất khó khăn vì người ta đi ngang tuốt một nắm về nhân giống cũng được!? Bây giờ họ sẽ đặt tên giống như thế nào hay lấy tên giống gốc? Đằng nào cũng không chứng minh được tính sở hữu hợp pháp do luật rõ ràng hơn.

Trong tháng 4-2018, Viện lúa ĐBSCL vừa nhượng quyền khai thác độc quyền giống lúa OM 18 và OM 9577 cho Tập đoàn Lộc Trời trong thời gian 20 năm và nhận khoản chi trả tiền tác quyền 200đ/kg lúa giống do tập đoàn bán ra. Số tiền này thu từ người mua giống bao nhiêu thì chuyển trả hết bấy nhiêu, theo Tập đoàn Lộc Trời. Trước đó Lộc Trời đã được Viện Lúa chuyển giao bốn giống lúa, gồm OM 5451, OM 2514, OM 2517 và OMCS 2000.

Tác quyền, món tiền an ủi!
Nghiên cứu lai tạo giống lúa ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: HL

Những năm trước, nhà nông biết hệ thống nhân giống lúa 4 cấp và tác quyền có 3 cấp: Tác giả, giống nguyên chủng, giống xác nhận. Việc đánh giá giống triển vọng có sự tham dự của nhiều bên, gồm sở ban ngành liên quan, doanh nghiệp, nông dân…nguồn giống được chia sẻ cho các địa phương để nhanh chóng tạo ra vùng nguyên liệu lúa hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Công ty CP Giống cây trồng miền Nam cũng đã mua lúa giống để tạo vùng nguyên liệu khác biệt, chi trả 200 đ/kg lúa giống bán ra hoặc với mức tối thiểu tương đương 1 tỷ đồng/giống/năm khi mua nhượng quyền hoặc mua đứt tài sản trí tuệ.

Năm nay, SSC tập trung phát triển sản phẩm giống lúa độc quyền, chiếm 70% doanh thu cho Công ty. Trong thời gian chuyển giao bản quyền, các đơn vị sản xuất, kinh doanh khác muốn nhượng lại quyền khai thác kinh doanh từ SSC và tất nhiên phải trả tiền.

Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, từ năm 2006 đến nay Viện Lúa đã được bảo hộ 23 giống lúa mang thương hiệu OM và trên 30 giống đang đề nghị cấp bằng bảo hộ. Trong 6 năm, từ 2011 – 2016, Viện đã chuyển nhượng bản quyền tác giả hoặc quyền khai thác độc quyền 14 giống lúa OM cho 7 đơn vị thuộc cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Viện lúa ĐBSCL từng chọn tạo và phát triển trên 180 giống lúa, trong đó có 82 giống đã được công nhận là giống quốc gia, số còn lại là giống được công nhận tạm thời và nhiều giống triển vọng.

Hai giống lúa mới được chuyển nhượng cho Lộc Trời được khảo nghiệm từ năm 2011 do nhóm tác giả gồm TS Trần Thị Cúc Hòa, TS Phạm Trung Nghĩa , kỹ thuật viên Huỳnh Thị Phương Loan. Cả hai giống lúa chịu được độ mặn 4‰, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vào năm 2017 và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Tác quyền, món tiền an ủi!
Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Lộc Trời chiếm 10% thị phần lúa giống tại ĐBSCL và là nhà cung cấp các loại giống cây trồng như bắp lai, dưa hấu và rau màu. Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống nông nghiệp Định Thành rộng 500 ha và hơn 10.000 ha hợp tác sản xuất lúa giống với nông dân. Mỗi năm Lộc Trời cung cấp cho thị trường khoảng 60.000-80.000 tấn lúa giống các loại, doanh thu 805 tỉ đồng, riêng mảng lúa giống đạt doanh số 488 tỉ (tổng doanh thu của Lộc trời trong năm qua trên 8.982 tỉ đồng). Năm 2018, mục tiêu doanh số kinh doanh hạt giống là 974 tỉ đồng, trong đó, lúa giống là 663 tỉ đồng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2017 cả nước gieo trồng hơn 7 triệu ha lúa, nông dân phải sử dụng khoảng 1 triệu tấn lúa giống. Thông thường nông dân gieo sạ từ 180 đến 200 kg lúa giống/ ha (kỹ thuật mới sử dụng 150 kg/ha), vấn đề là việc công khai thu và chi trả cho tác giả kể cả chi phí phục tráng.

Năm 2017, SSC đạt doanh thu thuần 550,5 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 64,6 tỷ đồng, tăng 79%. Trong khi đó Vinaseed (NSC) đang sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 74% vốn tại SSC. Nếu lần chào mua tới thành công như mong đợi, NSC sẽ sở hữu 100% vốn SSC, tương đương hơn 13,5 triệu cổ phiếu.

Đứng sau NSC chính là PAN Farm, thuộc Tập đoàn PAN, đang sở hữu 75% vốn của NSC. Công ty CP Giống cây trồng Trung Ương (NSC) muốn mua 100% cổ phiếu của SSC và cả hai sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Lộc Trời.

Thực ra cách bảo vệ giá trị sở hữu trí tuệ chỉ riêng lĩnh vực lúa giống đã cho thấy những cuộc xung đột ngấm ngầm giữa những tác nhân trong cùng ngành hàng. Trong khi đó, giới nghiên cứu cho rằng thành tựu khoa học đã có người trả 200 đ/kg lúa là an ủi rồi, trước đây có “ma” nào trả đâu?

Cũng đã có doanh nghiệp thu tiền tác quyền từ người mua gấp 5 lần, nhưng chưa biết họ có chi trả hay không? Bao nhiêu? Tài sản trí tuệ vẫn là câu chuyện cơm áo gạo tiền hơn là niềm tự hào về những giá trị mới, sáng tạo!.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận