TP.HCM: Chính quyền điện tử sẽ tập trung vào giao thông, y tế và môi trường

TP.HCM: Chính quyền điện tử sẽ tập trung vào giao thông, y tế và môi trường

TP.HCM: Chính quyền điện tử sẽ tập trung vào giao thông, y tế và môi trường

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM trong phiên thảo luận chiều nay. Ảnh: Việt Hải

Trong phiên thảo luận về Phát triển hạ tầng CNTT và bảo mật dữ liệu trong khối Chính phủ thuộc khuôn khổ Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2016, Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã chia sẻ về kế hoạch ứng dụng CNTT của thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, chú trọng xây dựng chính quyền điện tử hướng tới dịch vụ công cung cấp  dịch vụ công trực tuyến cho người dân trong các lĩnh vực thiết yếu.

Theo kế hoạch, năm 2016, TP.HCM sẽ tăng cường thêm các ứng dụng CNTT trong khối cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp (chủ yếu là mức 3, 4) và hướng tới phục vụ tại nhà cho người dân. Thành phố cũng xác định, người dân và doanh nghiệp là đối tượng chính và mục tiêu của các ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử là hướng tới phục vụ người dân được tốt hơn. Do đó, các ứng dụng CNTT tại Thành phố sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm nhất hiện nay là giao thông, y tế và môi trường.

Thế nhưng, một hiện trạng gặp phải hiện nay là các ứng dụng đã triển khai lại rất lẻ tẻ. Lấy ví dụ trong lĩnh vực GTVT, bà Trinh cho biết: cũng như nhiều địa phương khác  trên cả nước, TP.HCM có rất nhiều hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Nhưng số đèn tín hiệu được tích hợp về hệ thống điều khiển trung tâm của thành phố lại chỉ đạt con số 3%. Thêm đó, các camera quan sát tích hợp trong hệ thống để chia sẻ và khai thác thông tin nhưng cũng chưa đạt được như mong đợi. Vì vậy, phải giải quyết được bài toán tích hợp để có thể xây dựng được giao thông thông minh. Để giải quyết được tình trạng này, trong lĩnh vực giao thông, năm 2016, TP.HCM sẽ tập trung 2 nhiệm vụ chính: hoàn thiện hệ thống điều khiển giao thông (trước tháng 1/2017) và kết nối các hệ thống camera, hệ thống đèn tín hiệu về trung tâm điều khiển của thành phố để phục vụ tốt hơn cho mạng lưới giao thông.

Như trong phiên họp sáng nay, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Nếu chưa có liên thông, chưa có kết nối thì chưa thể có Chính phủ điện tử”. Theo ông Lê Mạnh Hà, cần lưu ý vấn đề cấp thiết trong phát triển Chính phủ điện tử đó là cần liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử từ cấp xã, tỉnh đến Trung ương; phải phục vụ được người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên 1 cổng quốc gia duy nhất để mọi người dân, doanh nghiệp có thể truy cập; cần phải có cơ chế, tài chính để xây dựng, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT… phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.

Như vậy, giống như nhiều địa phương khác, thời gian tới, TP.HCM cũng sẽ phải đưa ra các tiêu chuẩn để có thể tích hợp các ứng dụng riêng lẻ thành hệ thống chia sẻ thông tin và dữ liệu dùng chung giữa các ngành và các cấp để tiến tới xây dựng được chính quyền điện tử như mục tiêu đã đặt ra.

Cũng trong bản tham luận của mình về vấn đề Nâng cấp hạ tầng CNTT đồng bộ với nhu cầu phát triển đô thị thông minh và giao thông thông minh, bà Trinh cho biết: TP.HCM sẽ nâng cấp hạ tầng CNTT đồng bộ với nhu cầu của người dân và sẽ tập trung theo hướng thuê dịch vụ CNTT để có thể tận dụng được nguồn lực xã hội.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận