Ba đại gia viễn thông đều đặt mục tiêu 1 triệu thuê bao truyền hình trong năm nay

Ba đại gia viễn thông đều đặt mục tiêu 1 triệu thuê bao truyền hình trong năm nay

Ba đại gia viễn thông đều đặt mục tiêu 1 triệu thuê bao truyền hình trong năm nay

VNPT sẽ đạt 1 triệu thuê bao MyTV trong năm 2016. Ảnh minh họa: Internet

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, tính đến tháng 4/2016, Viettel có 67,862 triệu thuê bao di động, thuê bao cáp quang cố định đạt 1,62 triệu, 889.000 thuê bao truyền hình.

MobiFone cũng cho biết, trong quý I năm 2016 doanh thu dịch vụ truyền hình đã có những kết quả khả quan với mức tăng 192% cùng kỳ năm 2015. Số lượng thuê bao cũng đạt 229.833 tăng 226% so với cùng kỳ quý I năm 2015. Trước khi sáp nhập vào MobiFone, Truyền hình An Viên có khoảng 400.000 thuê bao.

Viettel được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc từ tháng 4/2013, sau đó hai nămViettel mới chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tới khách hàng. Trong lĩnh vực truyền hình trả tiền việc chỉ sau 1 năm đã đạt được con số thuê bao xấp xỉ 900.000 là khá ngoạn mục. Trước đó Viettel cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức IPTV nhưng tốc độ phát triển thuê bao rất khiêm tốn, chật vật sau vài năm chỉ dừng ở con số vài chục nghìn thuê bao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ, MobiFone đặt mục tiêu phát triển "Một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016" và đến năm 2020 trở thành một trong ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

Trước đây, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cũng cho hay, VNPT đặt mục tiêu đạt đạt 1 triệu thuê bao MyTV vào cuối năm 2015, nhưng do bị cạnh tranh khốc liệt nên đã không đạt được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, VNPT phấn đấu vượt 1 triệu thuê bao MyTV trong năm 2016.

Với đà tăng trưởng như hiện tại, có thể nói cả 3 nhà mạng có thể đạt con số 1 triệu thuê bao truyền hình trong năm 2016.

Truyền hình trả tiền được đánh giá là có bước phát triển mạnh về số lượng thuê bao cũng như số lượng kênh chương trình kể từ năm 2011 đến nay.

Truyền hình trả tiền không phải mặt hàng nhà nước quản lý giá, nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến cho giá dịch vụ truyền hình trả tiền ngày càng giảm. Từ 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền và cả Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã lên tiếng yêu cầu Bộ TT&TT cần có biện pháp quản lý giá truyền hình trả tiền để chống bán phá giá, ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp tìm cách lách luật để bán dưới giá thành nhằm giành giật khách hàng của nhau.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6/2015, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền đạt xấp xỉ 9,9 triệu thuê bao. Trong đó, truyền hình vệ tinh có 1,4 triệu thuê bao; truyền hình cáp gồm 5,99 triệu thuê bao cáp tương tự (analog) và 778.000 thuê bao cáp số; truyền hình kỹ thuật số mặt đất có 300.000 thuê bao; truyền hình giao thức Internet (IPTV) có 1,15 triệu thuê bao; truyền hình di động (Mobile TV) có 220.000 thuê bao.

Tổng doanh thu trong lĩnh vực truyền hình trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 9.152 tỷ đồng. Tổng số lao động của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền là 9.449 lao động.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận