Bộ TT&TT được giao quản lý giá dịch vụ phát thanh, truyền hình

Bộ TT&TT được giao quản lý giá dịch vụ phát thanh, truyền hình

Bộ TT&TT được giao quản lý giá dịch vụ phát thanh, truyền hình

Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang mong muốn Bộ TT&TT quản lý lý giá dịch vụ truyền hình trả tiền.

Ngày 18/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định này quy định chi tiết về quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; thu xem kênh chương trình truyền hình trực tiếp nước ngoài từ vệ tinh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng 1/2/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son yêu cầu: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT là triển khai để đưa Nghị định 06/2016/NĐ-CP vào thực tiễn”.

Điều mà nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền quan tâm là Bộ TT&TT sẽ quản lý giá dịch vụ truyền hình theo cơ chế nào, để hạn chế tình trạng bán phá giá dịch vụ như đang diễn ra trên thị trường trong khoảng 2 năm trở lại đây?

Theo khoản c, điều 6 của Nghị định, Bộ TT&TT được giao trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành về giá dịch vụ phát thanh, truyền hình. Điều 27 của Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định Bộ TT&TT có trách nhiệm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật truyền dẫn phát sóng kênh chương trình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá. Đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền thực hiện công khai giá theo quy định của pháp luật. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải niêm yết giá dịch vụ, giá gói dịch vụ gắn với các thông tin, thông số kỹ thuật cơ bản của dịch vụ, gói dịch vụ.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã liên tục đề nghị Bộ TT&TT có có biện pháp quản lý giá dịch vụ, cũng như quản lý chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền nhằm hạn chế tình trạng cước thuê bao ngày càng giảm xuống thấp kéo dài trong vài năm gần đây.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC vào cuối tháng 12/2015, ông Phan Minh Thế, Giám đốc Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) đã kiến nghị: Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét kiểm soát các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, để đảm bảo chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Thế cho hay, thị trường truyền hình đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cộng thêm sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông lớn đầu tư vào thị trường tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp truyền hình. Các doanh nghiệp truyền hình luôn phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và liên tục điều chỉnh giá bán, thậm chí nhiều đơn vị bán dưới giá vốn rồi dùng thủ pháp kinh doanh để bù chéo, độc quyền sự kiện để thu hút thuê bao. Chi phí cho nội dung bản quyền ngày càng tăng lên, chi phí cố định phải trả khó có thể bù đắp được.

Cuộc chiến về khuyến mãi của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền làm khách hàng hưởng lợi chưa từng có vì được dùng dịch vụ truyền hình cáp với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn những năm trước gấp nhiều lần. Dịch vụ truyền hình cạnh tranh khốc liệt đã mang lại nhiều lợi ích và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng. Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi liệu các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có vi phạm quy định về khuyến mãi, giảm giá hay không?

Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định: "Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại...". Bên cạnh đó, Điều 9 của Nghị định cũng quy định: "Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày".

Như vậy, việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình áp dụng chính sách khuyến mãi giảm cước trực tiếp trong một thời gian dài, vượt quá 90 ngày trong một năm là vi phạm các quy định về khuyến mãi, giảm giá được quy định trong Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006.

Việc các nhà cung cấp dịch vụ khuyến mãi, giảm giá không những nhằm mục tiêu thu hút khách hàng mà còn có khả năng tận diệt đối thủ yếu hơn, bên cạnh đó phát sinh hệ lụy khiến giá cước truyền hình Việt Nam thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Mặc dù Bộ TT&TT đã có văn bản trả lời Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) về việc dịch vụ truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục quản lý giá theo Luật Giá, do đó vấn đề quản lý giá dịch vụ truyền hình sẽ không được đưa vào dự thảo Nghị định quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền do Bộ TT&TT đang soạn thảo. Nhưng trước tình trạng cạnh trạnh trên thị trường truyền hình trả tiền đang có diễn biến phức tạp, VNPayTV cũng như các doanh nghiệp truyền hình đã liên tục đưa ra đề xuất: Bộ TT&TT cần phải quản lý giá dịch vụ truyền hình.

Không chỉ các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ ở các địa phương lên tiếng xin nhà nước quản lý giá dịch vụ truyền hình mà ngay cả các đàn anh như: SCTV, VTVcab và VTC cũng đề nghị nhà nước cần đưa ra một mức giá sàn dịch vụ truyền hình.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận