Có thể xử lý hình sự tội giả mạo giấy tờ với đại lý dùng chứng minh giả đăng ký thuê bao

Có thể xử lý hình sự tội giả mạo giấy tờ với đại lý dùng chứng minh giả đăng ký thuê bao

Có thể xử lý hình sự tội giả mạo giấy tờ với đại lý dùng chứng minh giả đăng ký thuê bao

Hiện nhà mạng đã khóa khoảng 19 trệu SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối.

Phát biểu tại buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, Thủ tướng yêu cầu VNPT phải có biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, SIM rác, SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là câu chuyện xảy ra từ rất lâu. Vừa qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng thu hồi 19 triệu SIM.

“Không ở đâu mua SIM rác lại dễ và rẻ như Việt Nam. Mua xong gọi một cú rồi vứt. Tôi sang Ấn Độ muốn mua SIM phải trình nhiều giấy tờ rồi họ sao chụp hộ chiếu. Gọi một cuộc là họ biết mình đang đứng ở đâu", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trước yêu cầu này của Thủ tướng, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết nếu trước đây mỗi ngày hệ thống của VinaPhone ghi nhận khoảng 100.000 tin nhắn rác thì đến nay chỉ còn 2.000 tin. Với hơn 30 triệu thuê bao VinaPhone, thì cứ 10.000 thuê bao có 1,5 tin nhắn rác.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho rằng, nhiều đại lý dùng chứng minh thư giả đăng ký thông tin thuê bao. Trong khi đó, doanh nghiệp không có cơ sở đối chiếu chứng minh thư này nhằm ngăn chặn việc đại lý dùng giấy tờ giả. Nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu dân cư tập trung hoàn thành, nhà mạng sẽ dễ dàng hơn trong việc cập nhật thông tin thuê bao gốc, đối chiếu, phân biệt được các thông tin đăng ký giả để chủ động loại bỏ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định rằng, sau khi Bộ TT&TT cùng các nhà mạng quyết liệt thực hiện việc thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn trên kênh phân phối thì tình trạng SIM rác, tin nhắc rác có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xử lý triệt để và bền vững mà nguyên nhân chính là các đại lý chưa thực hiện nghiêm. Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, thủ đoạn phổ biến nhất của các đại lý là giả mạo giấy tờ cá nhân thông tin thuê bao. "Nhưng hành vi này có thể hình sự hóa được. Cho nên từ tháng 7/2016, Bộ TT&TT đã chuyển một số hồ sơ sang Bộ Công an và tháng 12/2016 chúng tôi đề nghị xử lý hình sự các đối tượng này về tội giả mạo giấy tờ công dân”.

Nhằm quyết liệt xử lý vấn nạn này, Thứ trưởng Phan Tâm đã đề nghị Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý nghiêm những trường hợp đại lý dùng giấy tờ giả để đăng ký thông tin thuê bao. Hiện các nhà mạng đều biết rõ những hành vi thủ đoạn của đại lý. Vì vậy, để giải quyết tình trạng SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối bằng giấy tờ giả thì nhà mạng phải chủ động có biện pháp ngăn chặn sớm.

Trả lời ICTnews mới đây, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho hay, về cơ bản các nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc thu hồi SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối. Điểm mấu chốt cho việc thực thi tốt là các doanh nghiệp giám sát nhau chặt chẽ. Nhưng qua quá trình kiểm tra giám sát cũng như báo cáo của các Sở TT&TT ở địa phương thấy rằng có nhiều biến tướng mới và sai phạm trong việc quản lý thuê bao di động trả trước của các nhà mạng.

Cụ thể vẫn có tình trạng chi nhánh của doanh nghiệp không phối hợp khi kiểm tra thông tin thuê bao từ hệ thống với lý do bị treo máy. Qua quá trình kiểm tra có tình trạng một tổ chức ủy quyền cho nhiều đại diện đăng ký hàng trăm thuê bao dẫn đến một tổ chức đã đăng ký lại cho vài trăm thuê bao và tình trạng hộ kinh doanh cá thể đứng tên cho hàng trăm thuê bao, cá nhân đứng tên vượt quá số thuê bao quy định. Nhiều SIM bị khóa nhưng được đăng ký lại có thông tin thuê bao hợp lý, tuy nhiên khi thực hiện cuộc gọi đến, tín hiệu đều trả lời “hiện nay không liên lạc được xin vui lòng gọi lại sau”.

Thanh tra cũng chỉ ra những biến tướng như sau ngày 1/11/2016, khi đăng ký thông tin thuê bao hòa mạng mới đã có ngay tiền trong tài khoản sai với quy định là bán SIM không có tài khoản. Vẫn còn nhà mạng khuyến mãi nạp thẻ trên 50% không đúng với cam kết đã ký giữa 5 nhà mạng với nhau và bán bộ kit thấp hơn giá thành toàn bộ của SIM trắng cộng với giá hòa mạng.

Theo ông Đỗ Hữu Trí, thực tế vẫn còn hiện tượng các SIM bị khóa được đăng ký lại thông tin thuê bao không đúng quy định như không có bản cứng chứng minh nhân dân, không lưu bản cứng đăng ký thông tin, không cập nhật file ảnh chứng minh nhân dân lên hệ thống, sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả để đăng ký lại thông tin thuê bao.

Qua quá trình kiểm tra còn phát hiện khi khách hàng đăng ký thông tin thuê bao, hòa mạng mới nhưng đã bị đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng hoặc nhận được thông báo khuyến mại.

Trước vấn đề này, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải nghiêm túc thu hồi SIM trả trước và khắc phục ngay những sai phạm nêu trên.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận