Năm 2020, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông tại Hà Nội đạt 30-35%

Năm 2020, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông tại Hà Nội đạt 30-35%

Năm 2020, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông tại Hà Nội đạt 30-35%

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội chủ trì hội nghị công bố Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Sáng nay, ngày 30/8/2017, Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hội nghỉ công bố Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với sự tham dự của đại diện các Sở, ban, ngành; đại diện UBND và phòng Văn hóa thông tin 30 quận, huyện, thị xã cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet, truyền hình cáp.

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung ký quyết định phê duyệt ngày 22/8/2017.

Theo đó, Quy hoạch nêu rõ, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, quản lý chặt chẽ việc thực hiện các dự án hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị; phấn đấu đến năm 2020 hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây đi nổi trên các tuyến phố chính từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm TP.

Hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai; khu đô thị mới, các khu đô thị vệ tinh; khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới và khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519 ngày 31/3/2016.

Đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành 50% cột ăng ten cồng kềnh được chuyển đổi sang loại cột ăng ten không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường (loại A1) tại các khu phố cũ Hà Nội và các khu vực yêu cầu về cảnh quan đô thị.

Đồng thời, tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông (nhà trạm, cột ăng ten) nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị, đạt tỷ lệ dùng chung 30 - 35%; phát triển các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không người phục vụ bằng hình thức xã hội hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân tại các khu công cộng, điểm du lịch, trung tâm văn hóa và trung tâm thương mại.

Năm 2020, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông tại Hà Nội đạt 30-35%

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 chuyển đổi xong 50% cột ăng ten cồng kềnh sang loại cột ăng ten không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường tại các khu phố cũ Hà Nội và các khu vực yêu cầu về cảnh quan đô thị (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đối với giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, quy hoạch hướng tới mục tiêu hoàn thành cải tạo, chuyển đổi hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động từ cột ăng ten loại cồng kềnh sang loại cột ăng ten không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường, phù hợp cảnh quan đô thị tại các khu vực phố cũ Hà Nội, hoàn thành việc cải tạo, chuyển đổi trước năm 2025.

Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các ngành, các doanh nghiệp viễn thông nhằm phát triển bền vững, hiệu quả, mỹ quan đô thị cũng như tiết kiệm và tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển mạng lưới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Sĩ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông-Sở TT&TT Hà Nội cho biết, quy hoạch tập trung chủ yếu vào các nội dung như: quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng theo hướng tiếp tục duy trì các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng hiện có và phát triển các điểm Wi-Fi công cộng; quy hoạch cột ăng ten theo hướng sử dụng cột ăng ten không cồng kềnh, ăng ten ngụy trang, thân thiện môi trường và chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh (loại A2a) sang cột ăng ten không cồng kềnh, ăng ten ngụy trang, thân thiện môi trường (loại A1) tại các khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, Hoàng Thành Thăng Long, khu Phố Cổ, Hồ Gươm và vùng phụ cận, các khu phố cũ Hà Nội.

Cùng với đó, quy hoạch công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và cột treo cáp theo hướng không phát triển mới tuyến cột treo cáp viễn thông riêng biệt tại các khu vực đô thị, khu vực đã có công trình ngầm, khu vực đã có hạ tầng cột điện lực, hạ tầng cột điện chiếu sáng và xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (tuynel, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật) để hạ ngầm các đường dây, cáp viễn thông và cáp điện lực.

Quy hoạch cũng xác định phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Trong đó nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp do các doanh nghiệp tự đầu tư (như triển khai hạ tầng viễn thông mạng cố định băng rộng, mạng thông tin di động 4G, mạng Internet băng rộng,...); tham gia đầu tư xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (tuynel, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật) theo hình thức xã hội hóa để thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài giải pháp về nguồn vốn đầu tư, quy hoạch xác định các giải pháp khác như: cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện; khoa học, công nghệ và môi trường; phát triển dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực; thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập…

UBND thành phố giao Sở TT&TT chủ trì và theo dõi thực hiện quy hoạch; hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trình UBND TP phê duyệt; đầu mối phối hợp các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp.

Căn cứ quy hoạch mới được phê duyệt, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Các doanh nghiệp viễn thông cũng căn cứ vào Quy hoạch để xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của mình trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ có kế hoạch chi tiết để triển khai Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận