Nhiều đài truyền hình Việt Nam đang “tham bát, bỏ mâm”

Nhiều đài truyền hình Việt Nam đang “tham bát, bỏ mâm”

Nhiều đài truyền hình Việt Nam đang “tham bát, bỏ mâm”

Kênh VTVGo của VTV trên YouTube

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng công ty VTC gần đây, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong buổi Giao ban truyền thông xã hội tháng 7/2017 do Bộ TT&TT tổ chức tại TP.HCM mới đây, đại diện một nhà quảng cáo hàng đầu đang nắm giữ 58% thị phần quảng cáo ở Việt Nam, đã phát biểu rằng “không tưởng tượng nổi các đài truyền hình ở Việt Nam lại có thể đưa hết nội dung lên YouTube như hiện nay chỉ để mỗi năm thu được đôi ba chục tỷ đồng. Thậm chí ngay cả Đài Truyền hình Việt Nam còn đưa cả những nội dung chi phí sản xuất hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng lên YouTube”. Không có một quốc gia nào mà các đài truyền hình lại đưa tất tần tật nội dung lên mạng xã hội như vậy.

“Cách đưa tất cả nội dung do mình sản xuất ra lên YouTube và mạng xã hội của các đài truyền hình Việt Nam giống như đang quẳng “cái mâm” ngon lành ra ngoài cho người khác hưởng, rồi tranh nhau “cái bát” ở trong nước”, ông Lâm ví von.

Theo quan sát của ICTnews thì hiện nay các đài truyền hình lớn như VTV, VTC, đài truyền hình Vĩnh Long, các kênh truyền hình hoặc chương trình video của các cơ quan báo chí lớn đều có kênh riêng trên YouTube và Facebook. Trên các kênh này, các đơn vị sản xuất nội dung đã đưa tất cả những nội dung hot lên đó để thu hút khán giả vào xem qua kênh mạng xã hội. Trong khi với các đài truyền hình lớn ở quốc tế nội dung được họ giữ gìn kỹ lưỡng vì đây chính là tài sản, là hàng hóa để cạnh tranh của họ.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, chính nội dung của các đài truyền hình Việt Nam và các nhà sản xuất nội dung Việt Nam đang nuôi béo Google và Facebook. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nước ngoài khi vào Việt Nam họ chỉ cần xây dựng nền tảng, rồi họ kinh doanh bằng chính tài nguyên nội dung của Việt Nam, bằng tiền của doanh nghiệp Việt Nam, nguồn lực của Việt Nam và người xem của Việt Nam. Đây là điều mà các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam cần phải suy nghĩ.

Nhiều đài truyền hình Việt Nam đang “tham bát, bỏ mâm”

VTC là Đài truyền hình của Việt Nam đầu tiên có kênh riêng trên YouTube.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, dịch vụ nội dung số được dự báo sẽ phát triển ngày càng nóng trong thời gian tới, do đó các doanh nghiệp nội dung số hàng đầu của Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam phải tính đến việc xây dựng hệ sinh thái nội dung số riêng của Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách và chiến lược để giữ nội dung trên nền tảng riêng của mình, việc khai thác ăn chia doanh thu sẽ được thực hiện giữa các Telco và nhà đài, các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ kiểm soát được cả nền tảng, cả nội dung và cả khâu thanh toán luôn. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ việc dùng Goolge và Facebook để quảng cáo cho dịch vụ của Việt Nam để người dùng quay trở lại sử dụng nền tảng của riêng Việt Nam mà thôi. Việc xây dựng hệ sinh thái riêng của Việt Nam là để nguồn lực không chảy ra ngoài.

Liên quan đến lĩnh vực nội dung số, tại buổi Giao ban Truyền thông xã hội mới đây, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện: Tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt cần chủ động cân đối tỉ lệ tin bài, bảo đảm những thông tin tích cực là chủ đạo, hạn chế thông tin tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội.

Khi tổng hợp thông tin từ nguồn báo chí, cần lựa chọn nguồn tin chính xác, chất lượng, cần hạn chế, thận trọng khi dẫn lại nguồn tin từ các báo, tạp chí điện tử thường xuyên bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử phạt.

Nghiêm túc chấp hành các quy định của Luật Báo chí năm 2016, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT về tổng hợp, dẫn nguồn và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp. Hoạt động đúng quy định tại giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp, thông tin trên trang chủ không mập mờ giữa trang thông tin điện tử tổng hợp và báo chí điện tử.

Các trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền, không đưa hoặc để người sử dụng lợi dụng phát tán những nội dung vi phạm bản quyền lên hạ tầng của doanh nghiệp.

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới về công nghệ, đầu tư xây dựng chiến lược rõ ràng, có mô hình kinh doanh hiệu quả để phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong tương lai, góp phần xây dựng hệ sinh thái nội dung số của Việt Nam có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, chung tay làm lành mạnh môi trường Internet, môi trường xã hội.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận