Thêm FPT tham gia hạ ngầm cáp viễn thông tại Hà Nội

Thêm FPT tham gia hạ ngầm cáp viễn thông tại Hà Nội

Thêm FPT tham gia hạ ngầm cáp viễn thông tại Hà Nội

Việc ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông và điện lực trung, hạ áp tại Hà Nội được thực hiện theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của 4 doanh nghiệp viễn thông và theo nguyên tắc ưu tiên dùng chung, chia sẻ hạ tầng kết hợp với việc ngầm hóa, chỉnh trang đô thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamet.vn)

Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm Sở đã tập trung tham mưu cho UBND TP ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND TP Hà Nội với VNPT, Viettel, MobiFone và EVN Hà Nội về việc đẩy mạnh phát triển viễn thông và ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020.

Ngày 4/6/2016, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 giữa UBND TP Hà Nội với 4 doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone và EVN Hà Nội đã được ký kết, trong khuôn khổ hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Theo biên bản, các doanh nghiệp này sẽ triển khai hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của Thủ đô. Trong đó, ưu tiên việc sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, kết hợp với việc ngầm hóa, chỉnh trang đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Đồng thời, tổ chức quản lý, khai thác công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo đúng quy định và hiệu quả.

Trao đổi với ICTnews ngày 14/7, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông - Sở TT&TT Hà Nội cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch thành phố đã đồng ý việc FPT tham gia triển khai hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến phố Hà Nội theo phương thức xã hội hóa.

Sở TT&TT Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp và thống nhất trong năm 2016 sẽ triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây cáp viễn thông và điện lực trung, hạ áp trên 18 tuyến phố. Dự kiến, trong tuần tới, việc hạ ngầm cáp viễn thông và điện lực trung, hạ áp trên tuyến Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà được triển khai. Đây là tuyến phố Viettel Hà Nội tham gia thực hiện hạ ngầm theo hình thức xã hội hóa.

Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội cho hay, cùng với việc hoàn thành dự thảo “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Sở KH&ĐT báo cáo Hội đồng thẩm định của thành phố, trong nửa đầu năm 2016, Sở TT&TT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định 19 ngày 27/5/2016 quy định về việc lắp đặt, quản lý, sử dụng hộp thư tập trung, hệ thống cáp viễn thông, hệ thống phủ sóng trong các tòa nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng trên địa bàn.

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT diễn ra ngày 12/7, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú đã nhận định, Quyết định 19 của UBND thành phố sẽ làm thay đổi mạnh mẽ công tác quản lý trong lĩnh vực lĩnh vực viễn thông và tạo sự bình đẳng cho người dân trên địa bàn trong việc tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Thời gian qua, tiếp tục triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở LĐTB&XH và Viettel Hà Nội lắp đặt hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Tính đến 4/7/2016, đã lắp đặt đợt 1 đầu thu kỹ thuật số cho 33.958/ 34.409 hộ nghèo được hỗ trợ tiếp cận truyền hình số mặt đất tại 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, phối hợp với Sở LĐTB&XH, Viettel tổ chức 2 đợt tặng điện thoại di động cho các hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội.

Sở TT&TT đã phối hợp với VNPT Hà Nội xây dựng Đề án đường dây nóng qua tổng đài để giám sát xử lý thông tin phục vụ nhân dân theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố; đồng thời triển khai tích cực các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và hoạt động quảng cáo rao vặt.

Đặc biệt, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội ban hành “Quy trình xử lý các số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định” và “Quy trình xử lý các đầu số, số điện thoại nhắn tin rác, các số điện thoại thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo” trên địa bàn. Theo bà Phan Lan Tú, các quy trình này đảm bảo theo đúng quy định của Bộ TT&TT nhưng cụ thể hóa trách nhiệm của các ngành, các cấp tại Hà Nội trong việc xử lý tin nhắn rác,  tin nhắn lừa đảo cũng như tin nhắn vi phạm quy định về quảng cáo, rao vặt.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Sở TT&TT đã đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ với 1.607 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định. Sở cũng đã thông báo nhắc nhở 186 thuê bao điện thoại, 2 đầu số được sử dụng để nhắn tin rác.

Ngoài ra, Sở TT&TT Hà Nội đã phê duyệt chủ trương chấp thuận kế hoạch xây dựng và phát triển các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) của VinaPhone, Viettel phục vụ triển khai mạng 4G; đảm bảo thông tin liên lạc trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Bầu cử HĐND các cấp của Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 và kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT Quốc gia 2016.

Đồng thời, tiếp nhận quản lý, duy trì 64 công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình cấp phép các trạm BTS; tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2015 và triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 …

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận