VTV đề nghị Bộ TT&TT tháo gỡ cơ chế trong cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT

VTV đề nghị Bộ TT&TT tháo gỡ cơ chế trong cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ TT&TT và lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam mới đây, VTV đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm tháo gỡ khó khăn về cơ chế để cấp phép cho VTV cung cấp dịch vụ truyền hình Internet (OTT).

Ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV cho biết, việc xem truyền hình qua Internet ngày càng dễ dàng, giá thành rẻ. Để tìm hiểu thói quen của khán giả. VTV đã tổ chức các đoàn khảo sát và phối hợp với các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài quảng bá cho ứng dụng VTVgo tại nước ngoài. VTV đã mất 18 tháng để làm công việc khảo sát này, bước đầu VTVGo được kiều bào đón nhận. Kiều bào ở nước ngoài trước đây chỉ xem được 1 kênh VTV4 qua vệ tinh, việc thu qua vệ tinh qua chảo thu cũng không dễ dàng, nhưng hiện nay qua ứng dụng VTVGo chỉ cần kết nối Wi-Fi hoặc Internet là xem được đủ 9 kênh của VTV với chất lượng rất tốt.

Từ 1/3/2018, VTV đã ngừng phát kênh VTV4 qua vệ tinh trên hai quả vệ tinh Thaicom và vệ tinh châu Âu phát sóng sang Mỹ, tính ra một năm tiết kiệm được 1 triệu USD thuê phát kênh VTV4 qua hai quả vệ tinh nước ngoài. Thay thế vào đó, các kênh truyền hình của VTV được truyền dẫn qua VTVGo phục vụ kiều bào trên toàn thế giới.

VTV đề nghị Bộ TT&TT tháo gỡ cơ chế trong cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT

VTV đã phát triển ứng dụng VTVgo để phục vụ khán giả xem qua mạng Internet.

Tuy nhiên, để cung cấp dịch vụ VTVGo theo đúng quy định của Nghị định 06/2016/NĐ-CP, VTV cần phải xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Theo Nghị định 06, chỉ có doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cấp phép để cung cấp và kinh doanh các dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam. VTV là đơn vị sự nghiệp (không phải doanh nghiệp) nên không thuộc đối tượng được cấp phép kinh doanh dịch vụ OTT.

“Hiện VTV chưa khai thác kinh doanh nên việc truyền dẫn VTVGo chưa có vấn đề gì, nhưng nếu sau này chuyển sang kinh doanh có thu phí thì liên quan đến quản lý giấy phép OTT”, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV cho biết.

Cũng theo ông Lương, để bắt kịp xu hướng và phát huy thế mạnh của Internet, VTV đề nghị Bộ TT&TT tạo điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ OTT cho VTV. Áp dụng cơ chế đặc thù VTV được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp theo Nghị định 02/2018 để tháo gỡ vướng mắc nêu trên. VTV có cơ sở pháp lý tương tự như doanh nghiệp trong việc phát triển, cung cấp và kinh doanh các sản phẩm dịch vụ truyền hình trên Internet. Việc mở rộng truyền dẫn kênh VTV và VTV4 trên ứng dụng VTVGo để VTV có thể tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại đến năm 2020.

“Đề nghị Bộ TT&TT sớm có biện pháp tháo gỡ, vì không chỉ VTV mà sắp tới các cơ quan truyền thông trực thuộc Chính phủ như VOV và TTXVN cũng sẽ tiến tới cung cấp nội dung trên OTT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu, Bộ TT&TT cần suy nghĩ để tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí lớn phát triển”, ông Lương phát biểu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ủng hộ việc VTV sớm đưa các kênh truyền hình của VTV ra nước ngoài qua ứng dụng VTVGo, Bộ trưởng đề nghị VTV sớm có kế hoạch để xây dựng một kênh thông tin truyền hình đối ngoại quốc gia, trên cơ sở nâng cấp từ kênh VTV4. Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chức năng của hai cơ quan Bộ TT&TT và VTV phải sớm ngồi lại với nhau để cùng tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ VTV phát triển.

Trước VTV, Đài PT-TH Vĩnh Long đã đưa ra kiến nghị nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các Đài PT-TH để có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên Internet, khai thác nội dung chương trình nhằm tạo thêm nguồn thu để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất chương trình. Cụ thể, tại Hội nghị về phát thanh, truyền hình do Bộ TT&TT tổ chức hồi đầu năm 2017, ông Phạm Thanh Xuân, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long nêu ra một số khó khăn trong hoạt động sản xuất nội dung của các đài truyền hình địa phương, trong đó có vấn đề về quyền kinh doanh khai thác nội dung chương trình của các đài bị hạn chế.

Theo ông Xuân, căn cứ vào Nghị định 06/2016/NĐ-CP các đài chỉ được quảng bá mà không được phép kinh doanh nội dung trên Internet, chỉ có doanh nghiệp mới được triển khai dịch vụ này. Như vậy, các đài muốn khai thác nội dung phải thành lập doanh nghiệp, không có doanh nghiệp không triển khai được. Quy định này gây hạn chế cho các đài địa phương, hiện nhiều Đài đã tự chủ về tài chính nếu chỉ được quảng bá chương trình thôi mà không được kinh doanh, khai thác nội dung thì các Đài sẽ không có nguồn kinh phí để tái đầu tư sản xuất chương trình, điều này cũng trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Bởi vì theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã cho phép các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính được vận dụng cơ chế hạch toán tài chính như doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng cho phép các doanh nghiệp được phép kinh doanh những dịch vụ pháp luật không cấm.

Ông Xuân kiến nghị nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các Đài PT-TH để có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên Internet, khai thác nội dung chương trình nhằm tạo thêm nguồn thu để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất chương trình.  

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận