APKWS: "Kẻ báo thù" đến từ quá khứ của Quân đội Mỹ

APKWS: "Kẻ báo thù" đến từ quá khứ của Quân đội Mỹ

Với APKWS, mọi loại rokcet hay tên lửa "ngu" dễ dàng biến thành các loại vũ khí thông minh có hiệu quả tác chiến cao nhưng chi phí đi kèm lại cực thấp.

>>> Mời độc giả xem clip: Tên lửa tự dẫn laser APKWS do BAE Systems phát triển dành cho Quân đội Mỹ (Nguồn: BAE Systems)
Advanced Precision Kill Weapon System - APKWS, do BAE Systems phát triển nhằm giúp vũ khí đường không có khả năng tấn công chính xác cao và hiệu quả đối với các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ.
Ban đầu, tên lửa tự dẫn laser APKWS được thiết kế để sử dụng trên trực thăng UH-1 Huey, OH-58 Kiowa Warrior và AH-64 Apache. Tuy nhiên, hiện nay nó đã được tích hợp lên hầu hết các loại máy bay chiến đấu trong biên chế Quân đội Mỹ. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Mỹ còn tham vọng đưa APKWS lên các tàu chiến mặt nước để nâng cao khả năng tấn công chính xác tầm xa. APKWS được biết đến với vai trò là hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser, gắn trên trực thăng, UAV và các máy bay chiến đấu nhằm nâng cao khả năng dẫn đường chính xác để tấn công mục tiêu.
APKWS:
Hình ảnh APKWS được triển khai trên máy bay chiến đấu AV-8B của Hải quân Mỹ. Ảnh: Maxresdefault
Đặc điểm chủ yếu
APKWS ra đời với mục đích chủ yếu là biến những quả rocket không điều khiển Hydra 70mm thành đạn dẫn đường chính xác cao. Đây được xem là một trong những giải pháp tiên phong để giải quyết lượng rocket 70mm tồn kho khổng lồ, trong khi giá cả rẻ đến 1/3 so với các vũ khí thông minh khác, sức nổ của đạn cũng nhỏ hơn giảm thiểu thiệt hại xung quanh mục tiêu.
APKWS được cấu thành bởi 3 bộ phận chính là: Thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng laser gắn trên các máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến mặt nước; thiết bị cánh lái được tích hợp trên phần thân của rocket; bộ phận cảm biến nhận chỉ lệnh điều khiển gắn ở mũi rocket.
Theo đó, một quả đạn Hydra 70mm có trọng lượng 6,2kg; dài 1,06m; tầm bắn hiệu quả 500 tới 8.000m tùy vào việc mang đầu đạn nào cũng như lắp từ bệ phóng trực thăng hay máy bay phản lực.Sau khi lắp bộ phụ kiện APKWS thì chiều dài đạn tăng lên 1,87m; sải cánh 24,3cm; nặng 15kg; tầm bắn đạt 1.100 - 5.000m đối với trực thăng và lên tới 11km đối với máy bay cánh bằng. Bên cạnh đó, với việc trang bị đầu dẫn laser chủ động khiến bán kính lệch mục tiêu chỉ dưới 0,5m.
APKWS:
Khả năng ứng dụng của APKWS. Ảnh: BAE systems
Ưu điểm của các tên lửa được trang bị APKWS
Việc trang bị hệ thống APKWS lên trên các loại tên lửa sẽ giúp tên lửa đạt được nhiều ưu điểm đó là:
+ Nâng cao năng lực tấn công chính xác nhưng chi phí lại thấp hơn so với nhiều tên lửa cùng loại.
+ Sự kết hợp giữa tên lửa không điều khiển và hệ thống APKWS sẽ đơn giản hơn việc sử dụng lớp tên lửa không đối đất. Thay vào đó, chỉ với hệ thống APKWS hoàn toàn có thể biến những tên lửa thông thường thành tên lửa không đối không và không đối đất.
+ Do APKWS có thiết kế nhỏ gọn nên có khả năng trang bị cho nhiều loại tên lửa, chính vì vậy các máy bay chiến đấu cũng mang được nhiều tên lửa hơn, qua đó nâng cao năng lực tác chiến.
Phương thức tác chiến
Theo BAE Systems, sau khi hệ thống radar phát hiện và khóa mục tiêu, tên lửa trang bị APKWS sẽ được phóng đi. Do được trang bị hệ dẫn laser có trường nhìn rộng tức thời 40 độ nên tên lửa có thể bắt bám mục tiêu rất nhanh, trong vòng từ 0,7 - 0,8s sau khi được phóng.
Bên cạnh đó, với các thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng tia laser gắn trên máy bay, thiết bị lái được tích hợp trên phần thân của rocket/tên lửa và bộ phận cảm biến gắn ở mũi rocket/tên lửa khiến cho tên lửa luôn nhận được lệnh hiệu chỉnh tọa độ mục tiêu thông qua phương thức hiệu chỉnh giữa pha phóng và hệ dẫn tỷ lệ, nhờ đó bảo đảm xác suất trúng đích luôn duy trì trên 80%, với bán kính vòng tròn xác suất luôn dưới 2m.
APKWS:
Hình ảnh thử nghiệm tên lửa tự dẫn laser APKWS của Quân đội Mỹ, độ chính xác của nó đối với các mục tiêu từ khoảng cách 3.000m gần như là tuyệt đối. Nguồn ảnh BAE Systems.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, bản hợp đồng với BAE Systems có trị giá lên tới trên 130 triệu USD trong 3 năm đầu (đến năm 2019) và sẽ được gia hạn thêm vài năm sau khi Hải quân Mỹ bắt đầu thử nghiệm các bệ phóng tên lửa thông minh trên các trực thăng MH-60R/S Seahawk và trực thăng MH-60 Knighthawk. Đặc biệt, vũ khí này không chỉ giới hạn trang bị cho máy bay lên thẳng mà còn được trang bị trên những máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon và máy bay tấn công mặt đất cường kích A-10 Thunderbolt II.
Với cách tích hợp này đã mang đến một quả đạn tên lửa thông minh giá rẻ. Một chiếc chiến đấu cơ F-16 có thể triển khai tới 4 cụm phóng rocket LAU-61/LAU-68, mỗi pod này chứa được 7 quả APKWS 70mm, như vậy tổng cộng một máy bay chiến đấu F-16 có thể mang được 28 đạn rocket thông minh.
Lam Ngọc

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận