Bí ẩn đề án xe tăng được đích thân Tổng thống Nga phê duyệt

Bí ẩn đề án xe tăng được đích thân Tổng thống Nga phê duyệt

Mẫu xe tăng này bí mật đến nỗi, tất cả mọi thông tin về nó chỉ là phỏng đoán và hình ảnh thực của chiếc xe tăng này chỉ duy nhất người đứng đầu nước Nga mới có quyền tiếp cận.

Mang tên Obyekt 195, mẫu xe tăng hiện đại đã từng được dự kiến là cỗ xe tăng chủ lực trong tương lai của Quân đội Nga, đề án phát triển nó bí mật đến nỗi ngoài các thiết kế sư của Nga, tổng công trình sư của đề án thì chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga vào thời điểm đó biết hình dáng thật sự của mẫu xe tăng này.
Được thiết kế từ những năm đầu của thế kỷ 20, Obyekt 195 "kế hoạch 95" hay còn mang mã là xe tăng T-95 từng được kỳ vọng sẽ trở thành chiếc xe tăng hiện đại nhất của Nga và cả thế giới ở thời điểm nó xuất hiện.
Bí ẩn đề án xe tăng được đích thân Tổng thống Nga phê duyệt
Hình ảnh một nguyên mẫu xe tăng được cho là của Obyekt 195. Nguồn ảnh: Armored Warfare.
Mặc dù sự ra đời của Armata T-14 đã chính thức đánh dấu "cái chết" cho Obyekt 195, tuy nhiên mọi thông tin về chiếc xe tăng này vẫn còn nằm trong tầm bí mật và các thông số thiết kế của nó mãi mãi chỉ là phỏng đoán, không một ai có thể biết chính xác được.
Nhiều tài liệu khẳng định, kế hoạch sản xuất xe tăng T-95 đã có từ thời Liên Xô - Thông tin này cũng được nhiều kỹ sư thiết kế của quân đội Liên Xô xác nhận. Tuy nhiên do các dòng xe tăng T-72 và T-80U của Liên Xô thời điểm này vẫn còn quá vượt trội so với các loại xe tăng của NATO và Mỹ lúc bấy giờ nên việc thiết kế ra siêu tăng Obyekt 195 là điều khá thừa thãi. Thêm nữa, càng gần ngày Liên Xô tan rã, ngân sách quốc phòng của quốc gia này càng bị cắt giảm, khiến việc nghiên cứu loại siêu tăng này là điều bất khả thi.
Sau khi Liên Xô tan rã, việc giải giáp bớt vũ khí và cắt giảm ngân sách quốc phòng dưới thời Tổng thống Boris Nikolayevich Yeltsin cũng khiến cho việc nghiên cứu tiếp chiếc xe tăng này là điều ngoài tầm với do không đủ chí phí. Thêm vào đó, chính sách đối ngoại mềm mỏng của Yelsin cũng khiến cho việc ra đời một thế hệ xe tăng mới là điều không cần thiết.
Bí ẩn đề án xe tăng được đích thân Tổng thống Nga phê duyệt
 Xe tăng T-14 Armata của quân đội Nga. Nguồn ảnh: Wiki.
Mãi tới năm 2001, khi kinh tế và chính trị của Nga bắt đầu ổn định, chính sách về quân sự của quốc gia này mới bắt đầu được thay đổi với việc tăng cường hỏa lực cho Hải quân, Không quân và một loại xe tăng mới đủ sức đối đầu với M1 Abrams phiên bản cải tiến của Mỹ.
Dự án Obyekt 195 được tái khởi động, tuy nhiên sự khởi động này diễn ra trong bí mật, thậm chí trợ lý của Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng tỉnh Sverdlov - nơi Obyekt 195 được thai nghén thậm chí còn không hề biết tới sự tồn tại của chiếc xe tăng này dù giám đốc của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Sverdlov là ông Victor Batuyev thậm chí còn khẳng định là sẽ sản xuất T-95 ngay khi Ấn Độ mua T-90S.
Theo lời một số kỹ sư từng làm việc và lên ý tưởng thiết kế một vài phần của chiếc xe tăng này thì Obyekt 195 là một dự án xe tăng kỳ lạ, nó có thể trở thành một hình mẫu trong cuộc cách mạng chế tạo xe tăng trong tương lai hoặc trở thành... "phế phẩm".
Cụ thể, loại xe tăng này có khả năng mang pháo cỡ 135mm, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định nó sẽ có pháo cỡ 140mm hay thậm chí là... 155mm nghĩa là tương đương với pháo tự hành. Cơ số đạn có thể lên tới 40 viên, tháp pháo độc lập và dẫn bắn thông qua một loạt các loại thiết bị cảm biến hiện đại.
Một chi tiết thú vị đó là Obyekt 195 rất có thể đã từng được thiết kế theo kiểu thiết kế của Armata T-14, đó là toàn bộ kíp lái sẽ ngồi trong một cái kén bọc thép cực tốt, điều khiển tháp pháo độc lập từ bên trong với hệ thống camera thay vì phải thò đầu ra ngoài.
Dù chưa biết khẩu pháo mà Obyekt 195 là loại pháo gì, tuy nhiên nhiều thông tin lan tràn trên các diễn đàn quân sự của Nga thậm chí còn đồn thổi về sơ tốc đạn kỷ lục lên tới... 1200 mét/giây và khả năng xuyên qua tới... 3 mét thép cán đồng nhất ở khoảng cách 1000 mét.
Về mặt động cơ, xe tăng T-95 có thể được xếp lớp cùng với loại T-90, có nghĩa là trọng lượng của nó không quá 50 tấn. Điều này dẫn tới khả năng độc cơ của nó có thể sẽ là một loại động cơ cung cấp công suất từ 1500 mã lực trở nên, đủ để nó có thể di chuyển được với tốc độ tối đa từ 60 tới 70 km/h trên đường tốt. Việc nặng không quá 50 tấn cũng giúp chiếc xe tăng này có khả năng được vận chuyển bằng máy bay vận tải một cách dễ dàng.
Giới quân sự Nga và nhiều cường quốc trên thế giới cũng từng hy vọng vào sự ra đời của chiếc xe tăng này. Tuy nhiên, Obyekt 195 đã chưa từng được công bố và cứ thế chìm vào dĩ vãng, nhất là sau khi T-14 ra đời, không ai còn dám tin vào sự tồn tại của xe tăng Obyekt 195 nữa.
Bí ẩn đề án xe tăng được đích thân Tổng thống Nga phê duyệt
Nhiều người cho rằng T-14 Armata là kẻ kế thừa xứng đáng của Obyekt 195. Nguồn ảnh: Wiki.
Để lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng ý tưởng của Obyekt 195 là rất tốt, nhưng quá.. cũ. Kể từ khi chiếc xe tăng này được lên ý tưởng cho tới khi nó được đặt bút thiết kế và nghiên cứu một cách "tử tế" vào năm 2001 thì "tuổi" của nó đã ngoài 20, rõ ràng là không còn hợp thời và càng không còn vượt trội sau 20 năm dậm chân tại chỗ.
Nhiều chuyên gia khẳng định, T-14 Armata là dự án được lấy ý tưởng từ Obyekt 195, với thiết kế có nhiều điểm tương đồng và mang đôi nét "cách mạng" trong việc chế tạo và sản xuất xe tăng. Tuy nhiên, những thông tin này nghe dù có lý nhưng vẫn không có cơ sở nào để khẳng định vì ngoài Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, không ai biết hình dáng và thiết kế chi tiết của chiếc T-95 cả.

Mời độc giả xem Video: Bên trong xe tăng T-14 Armata của Nga.


Tuấn Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận