Chuyên gia Mỹ: Tiêm kích F-15 "ăn đứt" Su-27 trong không chiến

Chuyên gia Mỹ: Tiêm kích F-15 "ăn đứt" Su-27 trong không chiến

Nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng tiêm kích F-15 vượt trội Su-27 về hệ thống điện tử, vũ khí cũng như lịch sử tham chiến. 

Vũ khí Nga, Mỹ luôn là đề tài cho giới quân sự thế giới so sánh. Mỗi loại vũ khí đều được chế tạo phù hợp với học thuyết quân sự riêng của mỗi nước. Chúng đều có ưu và nhược điểm riêng, nhưng việc so sánh thông số kỹ thuật giữa các loại vũ khí Nga, Mỹ trong đó có máy bay chiến đấu là chủ đề ưu thích của giới bình luận quân sự.

Tiêm kích F-15 Eagle của Mỹ và Su-27 Flanker của Nga là 2 loại chiến đấu cơ đa nhiệm chủ lực của mỗi nước. Chúng được phát triển để cạnh tranh với nhau nhằm chiếm ưu thế trong một cuộc chiến nếu có trong tương lai. Harold Hutchison, biên tập viên cao cấp tạp chí Soldier of Fortune đã đánh giá 2 chiến đấu cơ này dựa trên một số yếu tố để xem chiến đấu cơ nào có lợi thế hơn.

Lịch sử tham chiến

Hiệu quả của một chiếc máy bay chỉ có thể đánh giá qua thực chiến. Hãy quên đi những thông số kỹ thuật trên giấy vì nó không đồng nghĩa với hiệu năng trong thực tế. F-15 đã được sử dụng trong hầu hết các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu trong nhiều thập kỷ qua.

Một chi tiết quan trọng là không có chiếc tiêm kích F-15 nào bị rơi do hỏa lực phòng không, hay trong không chiến với máy bay đối phương. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc đối với chiến đấu cơ được đưa vào sử dụng trong 40 năm qua.

Chuyen gia My: Tiem kich F-15
Tiêm kích F-15 của không quân Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ 

F-15 đã bắn rơi khoảng 100 máy bay đối phương mà không chịu tổn thất nào. Trong khi đó, Su-27 Flanker ít được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu thực tế. Su-27 trong biên chế không quân Ethiopia đã được sử dụng trong cuộc chiến với Eritrea và giành khoảng 2-10 chiến thắng trong không chiến.

Ở khía cạnh này, F-15 được đánh giá cao hơn Su-27.

Hệ thống điện tử

Trong chiến trường hiện đại, hệ thống điện tử đóng vai trò rất quan trọng. Radar lắp trên máy bay được ví như đôi mắt, đôi tai, trong khi khả năng tác chiến điện tử sẽ làm mù đối phương. F-15 được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/APG-63 (V) 3.

Chuyen gia My: Tiem kich F-15
Buồng lái của Su-27. Ảnh: Wikipedia 

Hệ thống radar này cung cấp cho Eagle đôi mắt sắc bén có thể xác định mục tiêu ở cự ly 160 km và dẫn đường cho tên lửa không đối không AIM-120 tiêu diệt đối phương. Ngoài ra, F-15 còn được lắp bộ tác chiến điện tử AN/ALQ-135 có thể gây nhiễu radar và tên lửa đối phương.

Trong khi đó, cảm biến chính của Su-27 là radar xung Doppler N001, có thể phát hiện mục tiêu máy bay ném bom ở khoảng cách 140 km, đối với mục tiêu cỡ F-15, phạm vi phát hiện xấp xỉ 100 km. Phạm vi tìm kiếm xa hơn của radar trên F-15 là một lợi thế lớn.

Ngoài ra, Su-27 không có hệ thống gây nhiễu nội bộ thay vào đó là 2 pod gây nhiễu gắn ngoài. Ở khía cạnh này, Hutchison cho rằng, F-15 vẫn nắm lợi thế so với Su-27.

Vũ khí

Chiến đấu cơ F-15 có thể mang theo 8 tên lửa không đối không với cấu hình 4 tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM và 4 tên lửa tầm ngắn AIM-9X. Nó được vũ trang pháo M61 20 mm, cơ số 900 viên đạn. Tên lửa AIM-120D, phiên bản mới nhất có tầm bắn khoảng 160 km, AIM-9X tầm bắn khoảng 35 km.

Su-27 có thể mang 6 tên lửa tầm trung R-27, tầm bắn khoảng 130 km nhưng nó sử dụng cơ chế dẫn đường bán chủ động nên Su-27 phải chiếu xạ mục tiêu cho đến khi trúng đích, đó là một bất lợi trong không chiến, Business Insider nhận xét.

Chuyen gia My: Tiem kich F-15
 F-15 có thể mang theo 7 tấn vũ khí trong khi Su-27 khoảng 4,5 tấn. Ảnh: Không quân Mỹ

Flanker có thể mang theo 4 tên lửa tầm ngắn R-73, tầm bắn khoảng 30 km cùng pháo 30 mm. Ở tiêu chí này, F-15 vẫn được đánh giá cao hơn Su-27.

Hiệu suất

F-15 có tốc độ tối đa khoảng Mach 2,5 (khoảng 3.060 km/h), phạm vi chiến đấu khoảng 1.966 km. F-15 có thể mang theo thùng nhiên liệu bổ sung hoặc tiếp nhiên liệu trên không để tăng phạm vi hoạt động.

Su-27 có tốc độ tối đa khoảng Mach 2.35 (khoảng 2.876 km/h), phạm vi chiến đấu 3.529 km. Flanker có khả năng cơ động rất tốt trong phạm vi hẹp, đặc biệt là động tác cơ động “rắn hổ mang”. Ở khía cạnh này, Hutchison cho rằng 2 máy bay tương đương nhau.

Ai thắng?

Harold Hutchison đã nêu một kịch bản không chiến giữa 4 F-15 và 4 Su-27. Ông cho rằng, radar của F-15 sẽ phát hiện Su-27 trước đối phương và phóng tên lửa AIM-120. Các phi công F-15 sẽ phóng 2 tên lửa cho một mục tiêu để tăng hiệu suất tiêu diệt.

Một số Su-27 sẽ thoát được đợt khai hỏa đầu tiên, các phi công F-15 sẽ sử dụng tên lửa AIM-9X để công kích tầm gần. Su-27 cũng có thể phóng tên lửa R-27, 2 tên lửa này có năng lực tương đương nhau. Khi đó, khả năng đào tạo của phi công  đóng vai trò rất quan trọng.

Các phi công Su-27 có thể không được đào tạo tốt như phi công F-15. Trong kịch bản này, 4 Su-27 sẽ bị bắn hạ và tổn thất một F-15, chiếc F-15 đầu tiên bị bắn rơi trong không chiến.

Quốc Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận