Dự đoán kịch bản nổ ra chiến tranh Mỹ - Triều Tiên

Dự đoán kịch bản nổ ra chiến tranh Mỹ - Triều Tiên

(Kiến Thức) - Các chuyên gia dự báo có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Triều Tiên và Mỹ trong thời gian tới nếu như hai bên không kiềm chế.

Có thể nói, chưa bao giờ tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lại căng thẳng như hiện nay. Các chuyên gia dự báo có thể sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Triều Tiên và Mỹ trong thời gian tới nếu như hai bên không kiềm chế hoạt động khiêu khích của mình.
Theo đó, kịch bản một cuộc chiến tranh sẽ diễn ra trong 2 trường hợp sau:
- Thứ nhất, Triều Tiên sẽ tấn công trước nếu như nhận thấy Mỹ đi quá giới hạn và có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nước này. Một trong những nguyên nhân chính, động lực để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân chính là lo sợ Mỹ dùng sức mạnh quân sự để khống chế toàn bộ bán đảo này. Do đó, nếu như Mỹ tiếp tục điều động lực lượng quân sự áp sát Triều Tiên, bên cạnh đó Hàn Quốc đồng thời có động thái triển khai quân áp sát khu vực biên giới thì càng khiến Triều Tiên có cớ để nổ súng trước. 
Du doan kich ban no ra chien tranh My - Trieu Tien
 Tên lửa Triều Tiên tại lễ duyệt binh. Ảnh: ABCNews.com
- Thứ hai, Mỹ tấn công phủ đầu nhằm hủy diệt sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên. Trong trường hợp này, nếu như Mỹ nhận thấy Triều Tiên đi quá giới hạn trong các vụ thử hạt nhân bất chấp lời kêu gọi đàm phán của Mỹ. Đồng thời, Triều Tiên có động thái triển khai hoạt động quân sự quy mô lớn tại khu vực biên giới thách thức giới hạn chịu đựng của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Trong trường hợp Triều Tiên thực hiện một hành động khiêu khích quá đà vượt ngưỡng chịu đựng của dư luận và chính quyền Hàn Quốc, thảm họa sẽ thực sự xảy ra.
Nếu Mỹ tấn công trước thì sẽ phải xem xét đến các yếu tố vô cùng quan trọng đó là: 
- Mục tiêu tấn công: Phải là những mục tiêu hạt nhân quan trọng có khả năng giúp Triều Tiên trả đũa gồm: Cơ sở hạ tầng sản xuất hạt nhân; các kho đầu đạn, thiết bị hạt nhân và những bệ phóng tên lửa. 
Du doan kich ban no ra chien tranh My - Trieu Tien-Hinh-2
Lực lượng tăng thiết giáp Triều Tiên tại lễ duyệt binh. Ảnh: Globalmilitaryreview.com
- Quy mô các cuộc tấn công:
+ Thứ nhất là tấn công ở mức hạn chế, chỉ tập trung phá hủy chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bằng cách không tấn công vào những mục tiêu khác của Triều Tiên, Washington có thể thuyết phục Bình Nhưỡng rằng cuộc tấn công không nhằm thay đổi chính quyền Triều Tiên, qua đó để ngỏ cánh cửa đối thoại nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
+ Thứ hai là tấn công toàn diện. Kịch bản này giả định rằng một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn biến thành cuộc chiến tranh tổng lực. Do đó, Mỹ sẽ tiến hành chiến dịch trên không mang tính chiến lược để không chỉ phá hủy hạ tầng hạt nhân Triều Tiên mà còn nhắm tới các cơ quan kiểm soát, chỉ huy, dàn lãnh đạo chủ chốt, đơn vị tên lửa, pháo binh và những mục tiêu quan trọng khác của Triều Tiên.
- Lực lượng cần huy động: Để tiêu diệt được những mục tiêu của Triều Tiên, Mỹ cần triển khai một lực lượng hùng hậu gồm các máy bay ném bom B-2 và tiêm kích chiến thuật F-22, F-35. Đây sẽ là xương sống trong mọi chiến dịch nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Quân đội Mỹ sẽ cần phải huy động ít nhất 10 máy bay B-2 để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Triều Tiên, cùng với 24 - 30 máy bay F-22 và F-35 xuất kích từ các sân bay tại Nhật Bản, Hàn Quốc và từ tàu sân bay.
Mỗi máy bay F-22 và F-35 sẽ được trang bị hai quả bom GBU-32 JDAM 450kg, trong khi cường kích B-2 sẽ mang theo 16 quả bom hạng nặng GBU-31 JDAM 900kg hoặc hai quả bom xuyên phá boongke GBU-57.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ phải bố trí 2/4 tàu ngầm lớp Ohio ngoài khơi bờ biển Triều Tiên và phóng khoảng 300 – 400 quả tên lửa hình trình Tomahawk vào các căn cứ không quân của Triều Tiên.
Du doan kich ban no ra chien tranh My - Trieu Tien-Hinh-3
 Biên đội tàu sân bay Mỹ. Ảnh: USmilitary.com
- Phương thức tác chiến: Mỹ sẽ bí mật triển khai tàu ngầm, biên đội tàu sân bay và máy bay tàng hình đến các căn cứ gần lãnh thổ Triều Tiên. Khi điều kiện tác chiến cho phép, các máy bay tàng hình như F-22 và F-35 sẽ xuất kích đầu tiên để tiêu diệt những hệ thống phòng không đang được dấu kín trong những vùng núi của Triều Tiên. Nhiệm vụ này cũng sẽ được hỗ trợ bằng các loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm. Trường hợp, khi tác chiến bị lực lượng tên lửa phòng không của Triều Tiên đánh chặn, Mỹ và Hàn Quốc sẽ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn bố trí ở Hàn Quốc. Sau đó, các máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 với khả năng mang theo khối lượng lớn vũ khí sẽ làm nhiệm vụ phá hủy từng cơ sở hạt nhân và những cứ điểm quan trọng của Triều Tiên. 
Lam Ngọc

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận