Kinh ngạc ý tưởng dùng pháo M109 phòng không ở Biển Đông

Kinh ngạc ý tưởng dùng pháo M109 phòng không ở Biển Đông

Về lý thuyết, lựu pháo tự hành M109 Paladin bắn đạn pháo có điều khiển Excalibur có thể chuyển đổi cho nhiệm vụ phòng không.

Gần đây, việc Trung Quốc triển khai trái phép hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tiêm kích J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang khiến tình hình Biển Đông trở  nên rất phức tạp.

Ngoài việc triển khai vũ khí, Bắc Kinh còn tiến hành lắp đặt các trạm radar trên đảo nhân tạo bồi lấp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những động thái nguy hiểm của Trung Quốc không ngoài mưu đồ quân sự hóa nhằm độc chiếm Biển Đông.

Trước mưu đồ nguy hiểm của Trung Quốc, chuyên gia quân sự Kris Osborn đề xuất, Lầu  Năm Góc nên triển khai thêm vũ khí đến gần Biển Đông nhằm đối phó Trung Quốc. Vị chuyên gia gợi ý, quân đội Mỹ có thể điều động lựu pháo tự hành M109 Paladin đến khu vực này và hoạt động như một vũ khí phòng không.

Ông giải thích thêm, Paladin bắn đạn pháo có điều khiển Excalibur có thể chuyển đổi từ tấn công mặt đất sang phòng không. Đạn Excalibur dẫn hướng bằng GPS với độ chính xác rất cao nên có thể tiêu diệt máy bay, đánh chặn tên lửa đối phương với chi phí thấp.

Ngoài ra, việc chuyển đổi này sẽ giúp tăng số lượng vũ khí phòng không mà không làm gia tăng kinh phí trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ ngày càng eo hẹp.

Lựu pháo M109 có thể phòng không?

Kinh ngac y tuong dung phao M109 phong khong o Bien Dong
M109A7 có cơ chế điều khiển hỏa lực hiện đại kết hợp với đạn pháo có điều khiển Excalibur có thể bắn hạ máy bay. 

M109 Paladin là lựu pháo tự hành chủ lực của quân đội Mỹ do United Defense (nay là BAE Systems Land and Armaments) chế tạo vào những năm 1960. Pháo đã trải qua nhiều lần nâng cấp về pháo, điện tử, động cơ và các hệ thống con khác.

Hiện tại, phiên bản sử dụng trong quân đội Mỹ là M109A6 Paladin. Phiên bản nâng cấp hiện đại nhất đang trong quá trình sản xuất là M109A7 Paladin. Quân đội Mỹ đã đặt hàng 580 lựu pháo M109A7, quá trình chuyển giao dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Phiên bản A7 sử dụng một số công nghệ phát triển cho chương trình lựu pháo tự hành XM2001 Crusader và XM1203 NLOS-C đã bị hủy bỏ. Điểm mới trên phiên bản này là pháo sử dụng hệ thống nạp đạn tự động cho phép giảm ê kíp vận hành xuống còn 4 người so với 6 trên phiên bản cũ.

M109A7 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến lấy từ chương trình XM1203 NLOS-C cho phép nâng cao hiệu suất tác chiến. Paladin sử dụng pháo chính M258 155 mm, pháo mới có tầm bắn tối đa 24 km với đạn thông thường, 30 km với đạn tăng tầm.

Đặc biệt, M109A7 có thể bắn đạn pháo có điều khiển M982 Excalibur với tầm bắn 40 km. Excalibur là loại đạn pháo có điều khiển do tập đoàn Raytheon và BAE Systems hợp tác phát triển. Đạn được dẫn đường bằng GPS với bán kính lệch mục tiêu (CEP) khoảng 5 m.

Các thử nghiệm tại chiến trường Afghanistan cho thấy, khoảng 92% đạn pháo đã bắn có CEP chỉ 4 m. Excalibur có tầm bắn tối đa 40 km. Về mặt lý thuyết, M109A7 bắn đạn Excalibur cho nổ trên không có thể sử dụng cho nhiệm vụ phòng không.

Kinh ngac y tuong dung phao M109 phong khong o Bien Dong-Hinh-2
 Đạn Excalibur có thể hồi sinh pháo phòng không cỡ nòng lớn.

Việc sử dụng pháo cỡ nòng lớn làm nhiệm vụ phòng không đã được ghi nhận trong Thế chiến II. Nhật Bản từng sử dụng pháo phòng không Type-5 cỡ nòng tới 150 mm. Anh từng sử dụng khẩu QF 133 mm cho nhiệm vụ phòng không.

Những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng sử dụng khẩu KS-30 130 mm để chống máy bay. Nhược điểm của các pháo phòng không cỡ nòng lớn là tốc độ bắn chậm, độ chính xác không cao. Phương pháp tác chiến chủ yếu là bắn đón nên khó đối phó với các mục tiêu di chuyển nhanh như máy bay phản lực, tên lửa.

Mặt khác, sự ra đời của các loại tên lửa đất đối không với tầm bắn lên đến hàng trăm kilomet nên việc sử dụng pháo phòng không cỡ nòng lớn không còn khả thi. Tuy nhiên, sự ra đời của đạn pháo có điều khiển có thể hồi sinh pháo phòng không cỡ nòng lớn cho nhiệm vụ phòng không.

Về bản chất, đạn pháo có điều khiển như Excalibur tương tự một quả tên lửa có điều khiển, điểm khác biệt là đầu đạn được đẩy đi bằng liều phóng thay vì động cơ tên lửa. Trong tháng 6/2013, tập đoàn Raytheon đã công bố phiên bản Excalibur S dẫn hướng bằng laser bán chủ động cho phép tấn công các mục tiêu di chuyển với tốc độ cao.

Tháng 9/2015, Raytheon đã giới thiệu phiên bản Excalibur N5 với cảm biến radar bước sóng milimet. Như vậy, 2 phiên bản S và N5 có cơ chế hoạt động như một quả tên lửa phòng không. Nếu kết hợp với hệ thống radar điều khiển hỏa lực, M109A7 có thể hoạt động như một pháo phòng không có độ chính xác cao.

Quốc Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận