Tàu sân bay Mỹ dễ bị đánh chìm vì thiếu chống ngầm

Tàu sân bay Mỹ dễ bị đánh chìm vì thiếu chống ngầm

Kể từ khi máy bay S-3 ngừng hoạt động, Hải quân Mỹ thiếu hụt phương tiện chống ngầm tầm xa, trong khi mối đe dọa này đang phát triển mạnh với sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh quyền lực trên biển đã trở lại trong những năm gần đây. Điều đó khiến Hải quân Mỹ phải tập trung vào khả năng xảy ra xung đột với kẻ thù có tàu ngầm tinh vi có thể đánh chìm các siêu tàu sân bay của Mỹ, theo Business Insider.
Các chuyên gia quốc phòng đang ngày càng lo ngại bởi sự hồi sinh dưới mặt nước của lực lượng tàu ngầm Nga, cũng như các tàu ngầm ngày càng tinh vi của Trung Quốc.
Trong một cuộc diễn tập chung vào năm 2015, một tàu ngầm của Pháp đã vượt qua lớp phòng vệ của các tàu hộ tống, bí mật tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và mô phỏng đánh chìm thành công hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Dù mối đe dọa từ tàu ngầm ngày càng tăng nhưng các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ lại đang thiếu phương tiện săn lùng và tiêu diệt tàu ngầm.
Cỗ máy săn ngầm vang bóng một thời
Trong Chiến tranh Lạnh và những năm sau đó, các tàu sân bay Mỹ được trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm hùng hậu với trực thăng và máy bay S-3 Viking, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu ngầm”.
Tau san bay My de bi danh chim vi thieu chong ngam
S-3 Viking là cỗ máy săn ngầm trên tàu sân bay tốt nhất thế giới những năm Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Hải quân Mỹ. 
Viking được giới thiệu vào năm 1974 để đối phó với hạm đội tàu ngầm hùng hậu của Liên Xô. S-3 không thực sự nhanh nhưng có phạm vi hoạt động hơn 3.000 km và có thể săn lùng tàu ngầm trong 10 giờ.
S-3 có khả năng tìm kiếm trên mặt nước rất mạnh mẽ để phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm. Đuôi máy bay được trang bị một máy dò biến dị từ trường Trái Đất để phát hiện tàu ngầm, cùng thiết bị phân tích tín hiệu sóng âm từ phao định vị thủy âm mà máy bay thả xuống đại dương.
Viking sở hữu khả năng tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm mạnh mẽ mà ít máy bay nào trên thế giới sánh được. Trong kịch bản chiến tranh, nó có thể phóng tên lửa Harpoon, ngư lôi và mìn sâu để tiêu diệt tàu ngầm.
“Đó là đôi chân”, đại úy John Rousseau, người đã lái những chiếc S-3 cuối cùng của Hải quân Mỹ trước khi Viking ngưng hoạt động hoàn toàn vào năm 2016, nhận xét. “Nó có thể bay nhanh và xa. Radar dù đã cũ nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Chúng tôi vẫn có thể phân biệt được cá heo rong biển khi tuần tra ở California vào năm 2016”.
Ngoài nhiệm vụ chính là chống ngầm, S-3 có thể đảm nhận vận chuyển hàng hóa, giám sát và tình báo điện tử, tìm kiếm cứu nạn và tiếp nhiên liệu trên không.
Khoảng trống chưa được lấp đầy
Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa từ tàu ngầm giảm mạnh và S-3 được cấu hình lại cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003, lần đầu tiên một chiếc S-3 bắn tên lửa vào du thuyền của Saddam Hussein. Đến cuối những năm 2000, những chiếc S-3 được giao nhiệm vụ tìm kiếm mối đe dọa trên mặt đất.
Giữa những thay đổi trong lãnh đạo hải quân và sự gia tăng của các mối đe dọa mới thời hậu Chiến tranh Lạnh, S-3 mất đi sự ưu ái. Nó chính thức bị ngưng hoạt động vào năm 2009 và để lại một lỗ hổng lớn trong năng lực chống ngầm mà đến nay vẫn chưa được lấp đầy, đặc biệt là khi những tàu sân bay luôn hoạt động cách xa nơi đóng quân của P-8 Poseidon, máy bay chống ngầm tầm xa của Mỹ.
Tau san bay My de bi danh chim vi thieu chong ngam-Hinh-2
S-3 Viking là cỗ máy săn ngầm trên tàu sân bay tốt nhất thế giới những năm Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Hải quân Mỹ. 
Jerry Hendrix, cựu phi công hải quân từng lái máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion, nói: “Có một sự phản ứng chậm trong ban lãnh đạo Hải quân về mối đe dọa từ tàu ngầm. Vào thời điểm chúng tôi có thể tìm ứng viên thay thế S-3, ban lãnh đạo đã lựa chọn phiên bản nâng cấp từ máy bay tấn công hạng nhẹ F/A-18 Hornet, những máy bay đã hoạt động tốt suốt 20 năm trong môi trường cho phép”.
Ông Hendrix cho biết thêm khu vực hoạt động chính của Hải quân Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh là ở vịnh Ba Tư, nơi mối đe dọa từ tàu ngầm đối phương gần như không có. Do không có mối đe dọa khác, S-3 bị xuống hạng với vai trò tiếp nhiên liệu cho các tiêm kích F/A-18 trở về tàu sân bay.
“Đến thời điểm ra quyết định, họ nói chúng tôi thực sự không cần máy bay tiếp nhiên liệu phục hồi. Tôi có thể thực hiện nhiệm vụ này từ những chiếc Hornet khác. Cuộc chiến chống tàu ngầm dường như không quan trọng vì không có tàu ngầm xung quanh chúng tôi. Vì vậy họ đã quyết định loại bỏ S-3”, ông Hendrix nói về quan điểm của lãnh đạo Hải quân Mỹ.
Nhiều trực thăng với vai trò chống ngầm đã được thêm vào các phi đội trên tàu sân bay. Tuy nhiên, ông Hendrix nói chúng không có cảm biến và khả năng tuần tra mạnh mẽ như S-3. Bên cạnh đó, các tàu ngầm hiện đại được trang bị tên lửa chống hạm có thể bắn từ ngoài phạm vi tìm kiếm của trực thăng.
Ông Hendrix đề xuất Hải quân Mỹ nên tập trung vào hệ thống không người lái dưới nước và trên không để tăng cường năng lực chống ngầm. Hải quân Mỹ cũng cần trang bị thêm tên lửa chống ngầm cho các máy bay để buộc tàu ngầm đối phương phải giữ khoảng cách.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận