Cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP

 
Nghị định số 58 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (MMDS). Qua gần 8 năm thực hiện, Nghị định 58 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS và là căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS. Tuy nhiên, hiện Nghị định đang gặp phải một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và Nghị định số 32/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2018/NĐ-CP. 

Qua gần 8 năm thực hiện, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự. Tuy nhiên, để đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; đồng thời tổ chức thực thi phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phương án cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh, đã nảy sinh yêu cầu cần điều chỉnh các quy định hiện hành về quản lý mật mã dân sự.

Cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP

Ngày 8/5/2024, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Nghị định thay thế nghị định 58/2016/NĐ-CP họp phiên thứ nhất.

Trong bối cảnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tiến hành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể như sau:

Yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật An toàn thông tin mạng

Tại Chương III Luật An toàn thông tin mạng quy định về mật mã dân sự, trong đó giao Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự (khoản 5 Điều 31); ban hành Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và quy định chi tiết xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự (khoản 5 Điều 34). Mặt khác, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (quy định tại Phụ lục 4 Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020).

Tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự (tại Phụ lục I) và Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (tại Phụ lục II) và quy định chi tiết một số điều về điều kiện, trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

Qua gần 8 năm triển khai thực hiện, kết quả rà soát, đánh giá thực hiện 02 danh mục trên cho thấy một số nhóm sản phẩm hoặc sản phẩm đã không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; do vậy tại Dự thảo Danh mục sản phẩm mật mã dân sự đề xuất có 07 nhóm sản phẩm, bổ sung Danh mục sản phẩm mật mã dân sự loại trừ (từ 9 nhóm tăng lên 12 nhóm) và thay đổi cấu trúc và nội dung của Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép trên cơ sở kế thừa Danh mục tại Phụ lục Nghị định số 32/2023/NĐ-CP.

Vì vậy, việc ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự tại Dự thảo Nghị định là cần thiết để tiếp tục triển khai công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực mật mã dân sự theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng và phù hợp với thực tiễn kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự hiện nay.

Yêu cầu đồng bộ, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 13/11/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Sau khi rà soát Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung:

- Về mức tiền xử phạt vi phạm hành chính: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an toàn thông tin đã điều chỉnh (từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức). Do đó, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng cơ cấu khung phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. 

- Tại khoản 21 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP chưa quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với chức danh Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Tại điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 38  Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định giới hạn về giá trị đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP, các chức danh này chỉ có thẩm quyền tịch thu đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt tối đa theo từng chức danh.

- Tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP thiếu các quy định có tính nguyên tắc để đảm bảo thực thi toàn bộ các quy định về xử lý vi phạm hành chính, do vậy cần được bổ sung tại Dự thảo để phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về mật mã dân sự: quy định mức phạt tiền tối đa, quy định rõ mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức hay cá nhân; quy định rõ hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và quy định chi tiết biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, thanh tra, cũng như yêu cầu thực tiễn đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự và theo ý kiến của một số doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, cần bổ sung một số hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự (hành vi kinh doanh không đúng về đối tượng, phạm vi, quy mô, thời hạn, địa điểm ghi trên Giấy phép kinh doanh; hành vi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự mà giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực; hành vi kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; hành vi không khai báo việc mất giấy phép kinh doanh...).

Cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP

Yêu cầu tổ chức và triển khai các quy định về quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự

Khoản 7 Điều 38 Luật An toàn thông tin mạng quy định: “Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và hướng dẫn thực hiện; xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự”.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, tại khoản 4 Điều 52 Luật An toàn thông tin mạng quy định Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, quản lý công tác đánh giá, công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự”. 
Theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự là loại hình kinh doanh có điều kiện (khoản 1 Điều 40), thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (khoản 1 Điều 34) và trước khi tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường phải thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy (khoản 1 Điều 39).

Mặt khác, do tính chất đặc thù của sản phẩm mật mã dân sự có ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động bảo mật, an toàn thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cần có sự quản lý chặt chẽ và thống nhất về chất lượng sản phẩm mật mã dân sự đang được kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam; do vậy cần có các quy định chi tiết nhằm tổ chức triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự, trong đó tập trung vào các quy định để thực hiện quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp gồm: cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm mật mã dân sự; chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm mật mã dân sự; tiếp nhận công bố hợp quy sản phẩm mật mã dân sự.

Từ các cơ sở nêu trên, để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng sản phẩm mật mã dân sự, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân về chứng nhận, công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện hệ thống pháp luật về quản lý mật mã dân sự, việc bổ sung các quy định chi tiết về tổ chức và triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự.

Yêu cầu về rà soát, cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính

Hiện nay, Chính phủ đẩy mạnh công tác ban hành các chương trình về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tổng thể cải cách hành chính nhà nước; chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Xuất phát từ các yêu cầu đó, Bộ Quốc phòng đã rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mật mã dân sự quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và đề xuất thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng và Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong lĩnh vực mật mã dân sự. Theo đó, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và ban hành các mẫu biểu theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp giả quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Xuất phát từ căn cứ pháp lý và thực tiễn áp dụng các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực mật mã dân sự, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP là cần thiết.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống