Hoạt động của các nhóm tin tặc hacktivist
Với khả năng phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng, đánh cắp thông tin nhạy cảm và truyền bá thông tin sai lệch, sức mạnh của năng lực mạng là không thể phủ nhận. Xoay quanh xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas, trên mặt trận không gian mạng, bên cạnh những tác nhân được nhà nước hậu thuẫn nhằm hỗ trợ khả năng hoạt động trên mạng hiệu quả, thì các nhóm tin tặc theo chủ nghĩa hacktivist nổi tiếng ủng hộ cả hai bên cũng đã tăng cường các cuộc tấn công mạng của họ.
Theo nghiên cứu của nhà tư vấn an ninh mạng Julian Botham vừa được công bố, các cuộc tấn công hacktivist đầu tiên đã được Anonymous Sudan tiến hành nhằm vào Israel chưa đầy một giờ sau khi những quả tên lửa đầu tiên được Hamas khai hỏa. Nhóm này nhắm mục tiêu vào các hệ thống cảnh báo khẩn cấp, tuyên bố đã gỡ bỏ các ứng dụng cảnh báo ở Israel. Ngoài ra Jerusalem Post, nhật báo tiếng Anh lớn nhất Israel, cũng là nạn nhân của cuộc tấn công mạng do Anonymous Sudan thực hiện.
Một nhóm ủng hộ Hamas có tên “Cyber Av3ngers” cũng được cho là đã nhắm mục tiêu vào Noga - hệ thống mạng lưới điện của Israel và khẳng định rằng họ đã xâm phạm mạng và đóng cửa trang web của tổ chức này. Nhóm Cyber Av3ngers cũng tập trung tấn công vào Tập đoàn Điện lực Israel, nhà cung cấp năng lượng điện chính trong khu vực, cũng như một nhà máy điện khác.
Trong khi đó, nhóm tin tặc có mối liên hệ với Nga là “Killnet” đã tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các trang web của Chính phủ Israel. Đồng thời, một nhóm tin tặc người Palestine có tên “Ghosts of Palestine” đã kêu gọi các tin tặc trên toàn thế giới nhắm mục tiêu vào cả cơ sở hạ tầng tư nhân và công cộng ở Israel và Mỹ. Ngoài ra, một nhóm có tên “Libyan Ghosts” cũng đã tấn công một số trang web nhỏ của Israel để ủng hộ Hamas.
Trong hầu hết các trường hợp, các nhóm tin tặc này đã sử dụng hình thức tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) để gây gián đoạn. Các nhóm tin tặc nổi tiếng như Killnet và Anonymous Sudan có lịch sử thực hiện các cuộc tấn công DDoS có tính gây rối cao. Trước đây, họ đã nhắm mục tiêu vào các tập đoàn lớn, bao gồm Microsoft, X (trước đây là Twitter) và Telegram bằng các cuộc tấn công DDoS quy mô lớn.
Về phía ủng hộ Israel, một nhóm có tên “ThreatSec” tuyên bố rằng họ đã xâm phạm cơ sở hạ tầng của ISP AlfaNet có trụ sở tại Gaza. Trong khi đó, những kẻ tấn công có mục đích hoạt động bên ngoài Ấn Độ đã tấn công các trang web của Chính phủ Palestine, khiến một số trang web không thể truy cập được. Ngoài ra, nhóm tin tặc “Garuna” đã tuyên bố hỗ trợ cho Israel và đã nhắm mục tiêu vào các trang web của Hamas và Đại học Hồi giáo Gaza.
Trong một báo cáo gần đây, Microsoft nhấn mạnh sự gia tăng hoạt động mạng bắt nguồn từ một nhóm đe dọa có trụ sở tại Gaza được xác định là “Storm-1133”. Nhóm này được cho là đang hoạt động phù hợp với các mục tiêu của Hamas và đã tích cực nhắm mục tiêu vào các tổ chức của Israel trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và viễn thông trong suốt đầu năm 2023.
Tác động các mối đe dọa mạng đến cuộc chiến
Những diễn biến này nêu bật vai trò quan trọng của các hoạt động mạng trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Các cuộc tấn công mạng đã tác động đến cơ sở hạ tầng quan trọng, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu như lưới điện, mạng truyền thông và thông tin liên lạc, gây hậu quả đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tác động lớn đến khả năng chiến đấu của quân đội cả trên không gian mạng và thực địa.
Bên cạnh đó, các chiến thuật đưa thông tin sai lệch nhằm tuyên truyền với những nội dung không chính xác cũng như để suy giảm lòng tin trong lòng người dân trong cuộc chiến, ảnh hưởng đến dư luận cũng như các nỗ lực ngoại giao, leo thang căng thẳng và làm phức tạp các cuộc đàm phán, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông và chống lại thông tin sai lệch. Đồng thời, tác động tâm lý của sự gián đoạn kỹ thuật số và các cuộc tấn công mạng đối với người dân đã làm tăng nhận thức của họ về tính dễ bị tổn thương.
Hoạt động mạng đã dần trở thành một thành phần tác chiến trong chiến lược quân sự của nhiều nước trên thế giới. Các cuộc tấn công mạng giữa Israel và Hamas đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh, thúc giục các quốc gia thích nghi, hợp tác và đầu tư vào an ninh mạng để giải quyết sự phức tạp của các cuộc xung đột trong tương lai trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống