Lừa đảo qua mạng khó dẹp vì tài khoản ngân hàng rác

 

Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 5/5, Cục An toàn thông tin phản ánh về tình trạng lừa đảo trực tuyến tràn lan. Trong số này, mới xuất hiện là cuộc gọi deepfake. Kẻ gian sử dụng AI sao chép chân dung để tạo video mạo danh người thân, bạn bè của nạn nhân và thực hiện cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin, deepfake nói riêng hay công nghệ mới nói chung chỉ là công cụ hỗ trợ cho lừa đảo trực tuyến. Mỗi thời kỳ, kẻ xấu sẽ sử dụng công nghệ khác nhau. Nếu không có giải quyết gốc rễ và có biện pháp triệt để, đây sẽ thành cuộc chiến trường kỳ.

Một thực tế là phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến nhắm tới tài chính. Theo ông Hưng, để thực hiện, kẻ gian cần tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào. Trong nhiều vụ lừa đảo thời gian qua, nạn nhân dù biết số điện thoại, biết tài khoản nhận tiền, nhưng vẫn khó truy ra kẻ đứng sau vì hầu hết sử dụng thông tin giả, gồm sim rác và tài khoản ngân hàng rác.

"Lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh do tài khoản ngân hàng không chính chủ", ông Hưng đánh giá.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: MIC

Hiện nay trên thị trường chợ đen, tài khoản ngân hàng không chính chủ, hay còn gọi là tài khoản rác, có thể được mua giá 2-3 triệu đồng. Đây có thể là tài khoản người dùng đăng ký nhưng không sử dụng và bán lại, hoặc do các tổ chức chuyên thuê những người nhẹ dạ đăng ký thay. Kẻ gian sẵn sàng chi số tiền này vì mỗi nạn nhân có thể đem lại cho chúng số tiền lớn hơn nhiều.

Vì vậy, để xử lý lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin cho rằng cần sự phối hợp với các bên như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để giải quyết vấn đề tài khoản ngân hàng không chính chủ. Việc đồng bộ dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa thông tin thuê bao, nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được ban hành sẽ là những căn cứ pháp lý để xử lý tài khoản dạng này.

"Nếu giải quyết được tài khoản ngân hàng không chính chủ, lừa đảo trực tuyến có thể giảm được 80-90%", ông Hưng nói.

Một người đang nghe điện thoại. Ảnh: Lưu Quý

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, sim rác cũng đóng vai trò quan trọng không kém bởi hầu hết các tài khoản ngân hàng đều gắn với số điện thoại nào đó.

"Để sử dụng được Internet Banking thì chủ tài khoản phải đăng ký bằng số điện thoại. Như vậy, nếu không có sim rác thì việc luân chuyển tiền sẽ phải thực hiện thủ công và khó khăn hơn rất nhiều", ông đánh giá, cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan, thay vì chỉ những bên quản lý sim hoặc tài khoản ngân hàng.

Trong khi đó, Cục Viễn thông cũng cho biết đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng lừa đảo xuất phát từ tin nhắn, cuộc gọi, trong đó việc cần làm là dẹp sim rác, sim không chính chủ.

Việc này gồm ba bước, trong đó đã gần hoàn thành hai bước, gồm yêu cầu các thuê bao phải có thông tin và thông tin phải được chuẩn hóa. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông để thanh tra người đăng ký nhiều sim, xử lý các nguồn phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý trạm phát sóng giả.

Lưu Quý

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống