Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội quán triệt chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Chủ trương của Đảng, Nhà nước và hệ thống pháp luật hiện nay
Chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được thể chế hoá trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cao tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững; Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật và khuyến khích đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 29 ngày 27/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định nội dung cốt lõi của của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định, điều kiện tiên quyết để Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường.
Ưu điểm và hạn chế của hệ thống văn bản pháp luật
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, bao gồm nhiều luật quan trọng như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Dữ liệu, Luật Cơ yếu… cùng hàng loạt Nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh những hạn chế vẫn còn tồn tại như sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong các quy định, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.
Chẳng hạn, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định về việc thành lập quỹ hỗ trợ, nhưng không triển khai được do Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 thiếu sự đồng nhất. Các khó khăn về cơ chế tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực từ xã hội vẫn là những rào cản lớn.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Với tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết 57 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, với hơn 100 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đòi hỏi nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách mới. Các nội dung nổi bật bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; Đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; Hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; Xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; Xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo... trên cơ sở đó, sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Nâng cao nhận thức, đột phá đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật, chấm dứt tình trạng chông chéo, thiếu minh bạch.
- Hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
- Tăng cường phối hợp và giám sát
- Phát huy vai trò của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong bối cảnh đất nước đang có những bước phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi sự quyết tâm của tất cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Thời điểm hiện tại là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số và khoa học công nghệ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống