Quy định hàng loạt yêu cầu “nghĩa vụ bảo mật”, Vietcombank đẩy trách nhiệm về khách hàng?

 
Quy định hàng loạt yêu cầu “nghĩa vụ bảo mật”, Vietcombank đẩy trách nhiệm về khách hàng?

Chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định, thay vì đưa ra hàng loạt yêu cầu buộc khách hàng thực hiện, Vietcombank nên tập trung bổ sung các biện pháp công nghệ để đảm bảo khách hàng ít gặp phải rủi ro khi thực hiện giao dịch trực tuyến với Vietcombank (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

9 nhóm “nghĩa vụ bảo mật” khách hàng Vietcombank phải thực hiện từ 10/5

Như ICTnews đã thông tin, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 7/4/2017 đã ra thông báo điều chỉnh nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong thông báo được đăng tải công khai trên website của Vietcombank tại địa chỉ vietcombank.com.vn, ngân hàng cho biết, từ ngày 10/5/2017, Điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mới sẽ chính thức áp dụng với các khách hàng cá nhân dùng dịch vụ.

Cụ thể, các dịch vụ ngân hàng điện tử của Vietcombank sẽ áp dụng Điều kiện và điều khoản điều chỉnh gồm dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking; dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động VCB-Mobile B@nking và Mobile Bankplus; dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn di dộng VCB-SMS B@nking; và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại cố định VCB-Phone B@nking.

Đáng chú ý, trong Điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mới sắp được áp dụng với đối tượng khách hàng cá nhân, Vietcombank đã dành hẳn mục 4 để quy định cụ thể về “Nghĩa vụ bảo mật của khách hàng”, với hàng loạt yêu cầu khách hàng phải tuân thủ và những việc khách hàng không được làm như: Khách hàng phải giữ bí mật các yếu tố định danh của mình, phòng tránh và ngăn chặn việc sử dụng trái phép các yếu tố định danh đó (4.2); Khách hàng cần đổi mật khẩu thường xuyên và khi có yêu cầu từ dịch vụ; không nên chọn mật khẩu có tính cá nhân, dễ suy đoán và đã sử dụng trước đây (4.3)...

Cùng với đó, Vietcombank cũng yêu cầu khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN) nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng (4.7); Khách hàng phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng (trừ các thiết bị của Vietcombank cung cấp để khách hàng tự thực hiện) để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại (4.8)…

Cũng trong Điều khoản và Điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mới của Vietcombank, trách nhiệm của khách hàng với yêu cầu giao dịch gian lận được quy định cụ thể. Theo đó, Vietcombank yêu cầu khách hàng “cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện nếu khách hàng đã hành động thiếu cẩn trọng hoặc nếu khách hàng làm sai, làm không đúng, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào hoặc các yêu cầu thông báo được nêu tại Mục 4”.

Nhiều quy định không hợp lý, “làm khó” khách hàng!

Trao đổi với ICTnews, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng tỏ ra khá băn khoăn trước những quy định Vietcombank yêu cầu khách hàng phải tuân thủ tại điều khoản về “Nghĩa vụ bảo mật của khách hàng” trong thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mới của ngân hàng mình.

Một chuyên gia bảo mật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ cho khối ngân hàng (xin được giấu tên) nhận định, để đảm bảo an ninh, đúng là cần khách hàng cũng phải có ý thức trong việc bảo vệ thông tin cá nhân cũng như chính tài khoản của mình.

"Tuy nhiên, việc Vietcombank nêu ra quá nhiều điều kiện khách hàng “không được làm” hoặc “phải tuân thủ”, ví dụ như chịu trách nhiệm và đảm bảo máy tính của mình không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại; hay phải đổi mật khẩu thường xuyên...là điều không hợp lý. Và khách hàng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro khi vô tình không tuân thủ các “yêu cầu” của Vietcombank", chuyên gia này cho hay.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống