Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự

 
Sáng 8/5, tại Hà Nội, Cục Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) tổ chức họp phiên thứ nhất Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, để công bố, triển khai Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thảo luận, tham gia ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định.

Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự

Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại cuộc họp

Đến dự và chủ trì phiên họp có đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban soạn thảo. Tham dự buổi họp còn có đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Phó Trưởng Ban soạn thảo; các đồng chí thành viên Ban soạn thảo và đại diện Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính).

Nghị định mới nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về mật mã dân sự; Khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 58/2016/NĐ-CP; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, rào cản không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh trong lĩnh vực mật mã dân sự; Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ bản hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Cùng với đó, Nghị định mới cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về chuyên ngành như: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật và các văn bản làm căn cứ pháp lý; Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên Ban soạn thảo tập trung thảo luận đưa ra nhiều ý kiến góp ý, sửa đổi, thống nhất cao với sự cần thiết ban hành và cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo Nghị định. Dự kiến, Nghị định gồm 5 Chương, 17 điều và 3 phụ lục.

Kết luận phiên họp, đồng chí Trưởng ban Vũ Ngọc Thiềm giao Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo chủ động tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:

Một là, gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; Tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến.

Hai là, tham mưu cho Trưởng ban Soạn thảo gửi lấy ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan trong Bộ Quốc phòng; Lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mật mã dân sự; tổng hợp, Tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng có liên quan và hoàn thiện các dự thảo.

Ba là, chủ động tham mưu cho Trưởng ban Soạn thảo đăng tải dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi theo quy định.

Bốn là, tham mưu Trưởng Ban soạn thảo báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định; Tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Cùng với đó, đồng chí Trưởng ban cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình soạn thảo Nghị định, lấy ý kiến và tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống