Theo Tân Hoa xã, một công ty ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã báo cáo về cuộc tấn công của nhóm tin tặc sau khi hệ thống bị dính mã độc. Công ty cho biết những kẻ xấu đòi công ty trả 20.000 Tether tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập.
Vào cuối tháng 11, cảnh sát Trung Quốc thành công bắt giữ hai nghi phạm ở Bắc Kinh và hai người khác ở khu vực Nội Mông. Những người này thừa nhận đã tạo mã độc và tối ưu hóa nó bằng ChatGPT, sau đấy tiến hành quét lỗ hổng bảo mật, xâm nhập rồi cấy mã tống tiền.
Báo cáo không đề cập đến việc liệu việc sử dụng ChatGPT có phải là một phần của cáo buộc hay không. ChatGPT hiện nằm trong vùng xám pháp lý tại Trung Quốc do chính phủ vẫn đang hạn chế quyền truy cập vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của nước ngoài.
ChatGPT đã thành công thu hút được sự quan tâm của nhiều người dùng Trung Quốc kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022. Dù OpenAI chặn các địa chỉ IP đến từ Trung Quốc, một số người dùng vẫn dùng VPN để truy cập vào ChatGPT.
Những vụ án liên quan đến AI tạo sinh đang gia tăng tại đất nước tỉ dân. Vào tháng 2, cảnh sát Bắc Kinh từng cảnh báo ChatGPT có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lan truyền thông tin sai lệch.
Tiếp đó trong tháng 5, cảnh sát Cam Túc bắt giữ một người đàn ông tên Hong với cáo buộc sử dụng ChatGPT để bịa đặt thông tin về vụ tai nạn tàu hỏa khiến 9 người thiệt mạng. Những nhà chức trách đã tìm thấy nhiều phiên bản khác nhau của vụ tai nạn được đăng bởi 25 tài khoản riêng biệt trên nền tảng blog Baijiahao với hơn 15.000 lượt xem. Hong đã dùng ChatGPT để chỉnh sửa nội dung và địa điểm xảy ra tai nạn để vượt hệ thống kiểm tra trùng lặp trên Baijiahao.
Vào tháng 8, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ 6 người thuộc băng nhóm lừa đảo deepfake. Những kẻ xấu đã dùng hình ảnh giả mạo để đăng ký các khoản vay online với các tổ chức tài chính.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống