Gần Tết, người dân vừa phải hoàn thành các công việc trước Tết, vừa lo sắm sửa tiêu dùng, chúc Tết nên thường khá bận rộn, dễ mất cảnh giác. Lợi dụng điều này, các đối tượng thực hiện các hình thức lừa đảo như lừa bán hàng giá sốc, cơ hội trúng thưởng cao, bán tour du lịch giá rẻ, bán vé máy bay giá rẻ… Thực chất là nhắm vào lòng tham của người dùng, từ đó bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm chiếm đoạt tiền người dùng.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam NCS, một số hình thức lừa đảo khác đã “quen thuộc” trong năm vẫn tiếp tục diễn ra dịp cận Tết như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản của kẻ xấu.
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới vẫn khiến cho nhiều nạn nhân bị mắc lừa và mất tiền. Nguyên nhân chủ yếu là do kịch bản của các đối tượng lừa đảo khá tinh vi, thông tin được đưa ra dồn dập, khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt.
Để phòng chống, người dân cần cảnh giác với tất cả các số điện thoại không có trong danh bạ gọi đến. Không vội tin các thông tin khi nhận được mà cần kiểm chứng lại. Không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ. Nếu mua hàng của người không quen biết thì chọn hình thức kiểm hàng rồi trả tiền để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Với 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên Internet dưới đây nhằm bảo vệ người dân khỏi những tệ nạn trên không gian mạng, sẽ cung cấp thêm kiến thức về lừa đảo không gian mạng: dấu hiệu nhận biết, hình thức thực hiện và biện pháp phòng tránh để giúp người dân nâng cao cảnh giác khi đối mặt với các tình huống lừa đảo không gian mạng.
1. Cảnh báo lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ dịp lễ tết Nguyên đán
Có thể thấy, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng mạnh vào dịp giáp Tết, điều đó dẫn đến việc các chuyến bay có thể hết chỗ sớm hơn dự kiến. Chính vì vậy, không ít hành khách gặp phải các vướng mắc khi mua vé qua trung gian, trực tuyến dễ dẫn đến bị lừa đảo bằng nhiều hình thức.
Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là:
- Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay; tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức.
- Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo.
- Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu đăng bài trên Facebook với để mua được vé máy bay giá rẻ.
- Các đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch.
- Đề nghị nạn nhân chuyển tiền (từ 30-50% giá trị vé) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn.
- Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc.
- Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, ngay lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc.
- Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.
2. Lừa đảo việc làm thêm trên mạng xã hội dịp cận Tết nguyên đán
Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để có chi phí trang trải dịp Tết, một số đối tượng đã thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn để lừa đảo. Do thiếu thông tin và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều người bị “sập bẫy” để rồi không chỉ mất tiền và thời gian mà còn chịu gánh nặng về tâm lý.
Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò:
- Đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử; nhân viên của công ty môi giới việc làm hoặc các DN lớn, uy tín để đăng giả mạo tuyển dụng.
- Dấu hiệu dễ nhận biết của những bài đăng này là tuyển người lao động làm việc thời vụ với lời hứa hẹn: việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà, không phải đặt cọc tiền... cùng các công việc như: chốt đơn trực tuyến, mẫu chụp áo dài ngày Tết, gấp lì xì, cộng tác viên tăng tương tác bán hàng, dịch thuật hay lồng tiếng thu âm cho các chương trình cuối năm…
- Đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân.
- Trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến họ bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền.
- Khi số tiền nạp lên đến giá trị lớn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
3. Giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản mạo danh các lãnh đạo, cán bộ thuộc cơ quan chức năng, văn phòng luật cung cấp dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.
Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là:
- Đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ An ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.
- Các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa, cam kết lấy lại được tiền với thủ tục nhanh chóng hiệu quả thủ tục đơn giản hơn nhiều so với việc đến cơ quan Công an trình báo.
- Hướng dẫn và yêu cầu nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống.
- Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
4. Lừa đảo vay tiền qua app tín dụng đen
Lợi dụng ưu điểm nhanh gọn, thuận tiện của hình thức vay online, các đối tượng lừa đảo vay tiêu dùng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin của người dân.
Hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là:
- Các app “tín dụng đen” đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay không cần tài sản thế chấp.
- Nhưng trên thực tế đây là hình thức vay nhanh thanh toán ngắn trong vòng 7 đến 10 ngày với lãi suất rất cao.
- Các đối tượng thường dùng mạng xã hội Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ.
- Thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…
- Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
- Khi đến hạn thanh toán mà người dân không trả hoặc chậm trả lãi, các đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại hoặc quay sang đòi nợ những người trong danh bạ (dù không liên quan đến tài khoản vay); gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm hoặc dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… gây áp lực ép người vay phải trả tiền.
5. Cảnh báo hình thức lừa đảo nhận quà trúng thưởng dịp cận tết Nguyên đán
Lừa đảo chiếm đoạt thông qua hình thức “nhận quà trúng thưởng” là một chiêu trò không còn mới. Các đối tượng thường liên hệ với nạn nhân thông qua hình thức gọi điện thông báo trúng thưởng và thường sẽ thiên biến theo nhiều cách thức khác nhau.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống