Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ?

 
Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 1

1. Khởi nghĩa Lam Sơn nằm trong phong trào kháng chiến chống quân xâm lược nào?

  • A

    Nhà Minh (Trung Hoa)

    Giữa năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của cha con Hồ Quý Ly hoàn toàn thất bại. Mượn danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", triều Minh vờ hạ chiếu tìm con cháu nhà Trần lập làm vua, nhưng ngay sau đó tuyên bố "họ Trần không còn người nào có thể kế thừa được".
    Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ, họ Hồ cướp nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt nhân dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao cho quan trước rồi đem về an trí ở phương Bắc".
    Trước tình hình đó, sĩ phu, nhân dân cả nước từ miền ngược tới miền xuôi đồng loạt đấu tranh. Các tôn thất nhà Trần tìm cách tập hợp lại, nổi dậy chống ách đô hộ của quân Minh. Tiêu biểu là hai cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (con thứ của vua Trần Nghệ Tông) vào năm 1407 ở Yên Mô (Ninh Bình) và Trần Quý Khoáng (cháu Trần Nghệ Tông) vào năm 1409. Sử cũ gọi đây là "nhà Hậu Trần". Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa này diễn ra lẻ tẻ, không duy trì được lâu dẫn đến bị dẹp một cách tàn khốc.
    Năm 1414, tướng nhà Minh là Trương Phụ, Mộc Thạnh hoàn thành xong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần, phong trào đấu tranh của nhân dân Đại Việt tạm lắng xuống. Nhà Minh bắt đầu cai trị Đại Việt rất khắc nghiệt khiến người dân oán hận. Từ năm 1417, phong trào khởi nghĩa của nhân dân lại trỗi dậy mạnh mẽ.
    Ngày 7/2/1418, Lê Lợi ở trấn Thanh Hóa dựng cờ khởi nghĩa ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa). 
    Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "Lê Lợi ẩn náu chốn núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng háo dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn".

  • B

    Chiêm Thành

  • C

    Ai Lao

  • D

    Miến Điện

Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 2

2. Khởi nghĩa Lam Sơn được chia thành mấy giai đoạn lớn?

  • A

    3

    Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo kéo dài 9 năm, từ 1418 đến 1427, được chia làm 3 giai đoạn lớn gồm: hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa (1418-1423), tiến quân chiến lược vào phía nam (1424-1425) và giải phóng Đông Quan (1426-1427). Trước cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi cùng 18 người khác tổ chức hội thề Lũng Nhai (thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), nguyện sống chết có nhau.
    Theo sách Lịch sử Việt Nam, trừ Lê Lợi thuộc tầng lớp địa chủ, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Trãi là quan lại cũ và Lê Văn Linh là sĩ phu, còn lại 15 người thuộc tầng lớp bình dân như Lê Văn An xuất thân nông dân, Nguyễn Thận gốc dân chài, Trịnh Khả xuất thân nô tì...
    19 người tham gia hội thề Lũng Nhai thể hiện sự tập hợp đông đủ mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó thành phần xuất thân nông dân chiếm số đông. Đây chính là hình ảnh của khối đoàn kết toàn dân. Từ những hạt nhân đầu tiên của hội thề này, anh hùng hào kiệt khắp nơi dần dần quy tụ về Lam Sơn.
    Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định vương và truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân hưởng ứng. Theo Lam Sơn thực lục, lực lượng ban đầu của cuộc khởi nghĩa gồm 51 tướng văn võ, 200 quân thiết kỵ, 200 nghĩa sĩ, 14 con voi... tổng cộng khoảng 2.000 người. So với quân Minh lúc đó hơn 45 nghìn, voi ngựa hàng trăm con thì lực lượng của nghĩa quân quá ít. Vì vậy, giai đoạn hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa là khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa.

  • B

    4

  • C

    5

  • D

    6

Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 3

3, Trong một lần bị quân Minh vây ở Chí Linh (Hải Dương), nghĩa sĩ nào đã giả làm Lê Lợi để đánh lừa quân Minh?

  • A

    Trần Nhật Duật

  • B

    Lê Lai

    Cuộc khởi nghĩa mới phát động được ít ngày thì Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đã phái đô đốc Chu Quảng đem quân từ Tây Đô lên vây quét. Do tương quan lực lượng chênh lệch, lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu, Lê Lợi phải rút quân lên vùng rừng núi trên bờ sông Khả Lam, thuộc xứ Mường Mọt, sau đó đến Trịnh Cao, giáp Ai Lao. Tuy nhiên, vùng này dân thưa, lương ít, không người qua lại, Lê Lợi bèn đưa quân đến đóng ở núi Chí Linh.
    Nghĩa quân của Lê Lợi định dựa vào địa thế hiểm trở của vùng đất này để tạm tránh cuộc truy đuổi của giặc. Nhưng quân Minh vẫn đuổi theo với lực lượng lớn vây chặt núi Chí Linh, phong tỏa các đường lên xuống trong hơn 10 ngày khiến nghĩa quân gặp nhiều khó khăn. Đại Việt thông sử viết, "hơn 10 ngày chỉ ăn củ nâu và mật ong, người ngựa đều khốn đốn".
    Trong lúc nguy nan đó, Lê Lợi họp bộ tham mưu nghĩa quân bàn kế giải vây. Ông hỏi các tướng "Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín ngày xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau". (Kỷ Tín là tướng của Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị bao vây, ông đã đóng giả làm Lưu Bang ra cửa thành xin hàng. Lưa Bang nhờ đó mà thừa cơ lẻn thoát). Khi đó, nghĩa sĩ của Lê Lợi là Lê Lai xin tình nguyện hy sinh để cứu Lê Lợi và giải vây nghĩa quân. Lê Lai đổi áo, giả làm Lê Lợi đem 500 quân và hai con voi chiến ra trận, tự xưng là chúa Lam Sơn đánh nhau với quân Minh. Ông cùng các nghĩa binh chiến đấu rất dũng cảm và hy sinh anh dũng. Quân Minh cho rằng đã giết được Lê Lợi và dẹp tan cuộc khởi nghĩa nên kéo quân trở lại Tây Đô.

  • C

    Trịnh Khả

  • D

    Nguyễn Trãi

Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 4

4. Giai đoạn tiến quân chiến lược vào phía Nam được coi là bước ngoặt chiến thuật của khởi nghĩa Lam Sơn. Theo đó, nghĩa quân đã tiến vào vùng nào?

  • A

    Quảng Trị

  • B

    Quảng Bình

  • C

    Nghệ An

    Sau một năm đình chiến, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh. Trước thế và lực mới, Lê Lợi và các tướng lĩnh quyết định chủ động tiến công để hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước.
    Trong hội nghị bàn kế sách tiến thủ lâu dài, Lê Lợi và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã tán thành một kế sách có tầm chiến lược do tướng Nguyễn Chích đề xướng. Theo đó, nghĩa quân tạm rời bỏ căn cứ chật hẹp ở núi rừng Thanh Hóa, tiến vào Nghệ An để xây dựng căn cứ địa mới, làm cơ sở tiến lên phản công tiêu diệt nhà Minh.
    Trên đường tiến vào Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn đánh bại địch ở đồn Đa Căng do Lương Nhữ Hốt giữ, thu được nhiều khí giới. Tiếp đà thắng lợi, quân Lam Sơn tiếp tục đánh lui quân do viên quan người Việt là Cầm Bành làm chỉ huy, chiếm được thành Trà Long, rồi liên tiếp đánh bại địch ở Khả Lưu, Bồ Ải. Những thất bại liên tiếp khiến lực lượng quân Minh ở Nghệ An bị tiêu hao đáng kể, kế hoạch chủ động phản công của quân Minh bị đập tan.
    Tháng giêng năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo đầy mưu lược của Lê Lợi, đã nhanh chóng thu phục phần lớn châu, huyện của Nghệ An và đến tháng 2 thì làm chủ hoàn toàn miền đất này (trừ thành Nghệ An đang bị giặc vây chặt).
    Trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8/1425, nghĩa quân Lam Sơn do các tướng như Đinh Lễ, Trần Nguyên Hãn, Doãn Nỗ, Lê Đa Bồ lần lượt giải phóng vùng Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa. Quân giải phóng tiến công đến đâu, nhân dân nhất tề nổi dậy đến đó khiến quân giặc nhanh chóng tan rã. Cuối cùng, quân Minh phải rút vào trong thành Nghệ An cố thủ.

  • D

    Thừa Thiên - Huế

Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 5

5. Chiến thắng quan trọng trong đầu đợt tiến quân ra Bắc của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra ở đâu? 

  • A

    Thăng Long (Hà Nội)

  • B

    Phong Châu (Phú Thọ)

  • C

    Lam Sơn (Thanh Hóa)

  • D

    Tốt Động, Chúc Động (Hà Nội)

    Tháng 9/1426, Lê Lợi quyết định tiến quân ra bắc, khởi nghĩa Lam Sơn bước sang giai đoạn mới. Ông để một bộ phận nghĩa quân tiếp tục tổ chức bao vây các thành ở Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, còn đại quân chủ lực chia làm 3 cánh tiến ra Bắc. Ngày 13/9/1426, các tướng Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí đem 3.000 tiến sát thành Đông Quan. Quân Minh cho rằng nghĩa quân từ xa mới tới, quân tướng trơ trọi, liền đem quân ra ứng chiến. Cuộc chiến giữa hai bên diễn ra ác liệt ở xứ Ninh Kiều nằm trên xã Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội).
    Dựa vào địa thế hiểm trở, Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí đem quân mai phục ở Ninh Kiều chờ quân Minh tới, Phạm Văn Xảo chỉ huy một quân đội khác đánh phía thành Đông Quan rồi giả vờ thua để nhử địch vào trận địa mai phục. Khi tướng Trần Trí của nhà Minh đem quân đuổi theo, lọt vào ổ phục kích, các tưởng Lý Triện, Trịnh Khả và Đỗ Bí đốc suất quân sĩ xông ra đánh chết hơn 2.000 tên địch. Trần Trí chạy về ĐôngQuan cố thủ, đồng thời cầu viện trợ từ phía quân của Lý An và Phương Chính ở Nghệ An.
    Tháng 20/10/1426, nhà Minh huy động 10.000 viện binh kéo xuống cầu Xa Lộ thuộc lộ Tam Giang (nay thuộc Phú Thọ). Tại đây, đội quân của tướng Phạm Văn Xảo chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hơn 1.000 địch, quân Minh cũng bị chết đuối rất nhiều.Cũng trong ngày hôm đó, quân Minh trong thành Đông Quan đang bị cánh quân của Lý Triện và Đỗ Bí uy hiếp. Để phá thế bao vậy của nghĩa quân, Trần Trí phái người đem quân ra khỏi thành đánh. Phục binh của nghĩa quân ở hai bên đường phía tây cầu Nhân Mục (nay thuộc Thanh Xuân, Hà Nội) nổi dậy tấn công dữ dội khiến hơn 1.000 quân địch bị giết tại trận. Sau thất bại này, tướng giặc Trần Trí đóng chặt cửa thành chờ viện binh.
    Cuối tháng 10, 10.000 viện binh của nhà Minh chia làm 3 cánh quân tiến vào Đông Quan. Vẫn với chiến thuật mai phục, Lý Triện và Đỗ Bí tiếp tục chỉ huy quân đánh bại giặc ở Cỗ Lãm, Tam La (nay thuộc Hà Đông). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, xác quân Minh ngổn ngang đến vài mươi dặm, hơn 500 lính bị nghĩa quân bắt sống.
    Tháng 11/1426, Vương Thông mang quân sang tiếp viện, hợp với quân ở Đông Quan được 10.000 người chặn đánh quân Lam Sơn. Không thể đối phó được với đại quân của nhà Minh, Lý Triện và Đỗ Bí sai người cấp báo với Đinh Lễ, Trương Chiến và Nguyễn Xí.
    Đinh Lễ, Nguyễn Xí và Trương Chiến đem 3.000 quân đến, đặt phục binh ở Tốt Động và Chúc Động (đều thuộc Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Các tướng tương kế tựu kế, chỉ huy nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, phá tan được quân Minh, tiêu diệt 50.000 lính, bắt sống hơn 10.000. "Quân Minh bị chết đuối rất nhiều, xác trôi nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta thu được ngựa, quân tư khí giới nhiều không kể xiết", chính sử chép lại. Vương Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Ai là người lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, khiến vạn quân nhà Minh khiếp sợ? - 6

6. Văn bản nào được ban bố khắp cả nước khẳng định nền độc lập của quốc gia Đại Việt sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?

  • A

    Lam Sơn thực lục

  • B

    Bình Ngô đại cáo

    Sau chiến thắng ở Chi Lăng - Xương Giang, tướng Vương Thông của nhà Minh vô cùng hoang mang, xin giảng hòa và được Lê Lợi chấp thuận. Tuy nhiên, Vương Thông vẫn tập trung lực lượng còn lại để mở một cuộc tập kích lớn hòng xoay chuyển tình thế. Kết quả, quân của Vương Thông nhanh chóng bị nghĩa quân đánh cho tan tác. Vương Thông suýt bị bắt sống, từ đó không dám ra khỏi thành.
    Tháng 12/1427, Lê Lợi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn và các tướng nhà Minh tổ chức hội thề Đông Quan. Tại hội thề, Vương Thông cam kết sẽ rút lui hết về nước. Trước đó, Lê Lợi có giao cho Nguyễn Trãi soạn thảo thư từ khuyên nhủ Vương Thông đầu hàng.
    Theo đúng ước hẹn, ngày 29/12/1427, Vương Thông và các cánh quân lên đường về nước. Lê Lợi sai cung cấp đầy đủ lương thực, phương tiện cho quân Minh và trả 20.000 tù binh về nước.
    Ngày 3/1/1428, cánh quân cuối cùng do Vương Thông chỉ huy lên đường về nước. Sau 20 năm sống dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, đến đây Đại Việt sạch bóng quân xâm lược. Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo văn bản Bình Ngô đại cáo, ban bố khắp trong nước khẳng định nền độc lập của quốc gia Đại Việt.

  • C

    Nam quốc sơn hà

  • D

    Hịch tướng sĩ

Nghĩa quân Lam Sơn đại thắng ở Chi Lăng. (Nguồn: VTV.VN)

Hà Cường

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống