AI sẽ là phước lành hay lời nguyền cho nền kinh tế?

 

Theo Reuters, nếu những tiến bộ về máy cày thời Trung cổ không giúp nông dân châu Âu thoát khỏi đói nghèo thì phần lớn là do những người cai trị đã lấy tài sản được tạo ra từ sản lượng gia tăng để xây dựng các nhà thờ.

Các nhà kinh tế cho rằng điều tương tự có thể xảy ra với AI nếu nó tiến vào cuộc sống của chúng ta theo cách mà một số ít người được hưởng lợi hơn chứ không phải đa số.

Simon Johnson, giáo sư kinh tế tại Trường quản lý MIT Sloan (Mỹ), lập luận: "AI có rất nhiều tiềm năng, nhưng tiềm năng sẽ đi theo cả hai hướng. Chúng ta đang ở ngã ba đường”.

Những người ủng hộ AI dự đoán một bước nhảy vọt về năng suất sẽ tạo ra tài sản và cải thiện mức sống. Vào tháng 6, công ty tư vấn McKinsey ước tính AI có thể giúp tăng thêm từ 14.000 tỉ USD đến 22.000 tỉ USD giá trị hàng năm. Con số 22.000 tỉ USD tương đương với quy mô nền kinh tế Mỹ hiện tại.

Một số người lạc quan về công nghệ còn đi xa hơn khi cho rằng, cùng với robot, AI là công nghệ sẽ giải phóng loài người khỏi những nhiệm vụ buồn tẻ và đưa chúng ta vào cuộc sống sáng tạo, nhàn hạ hơn. Song có rất nhiều lo ngại về tác động của AI với sinh kế, gồm cả khả năng phá hủy việc làm trong tất cả lĩnh vực - như từng thấy trong cuộc đình công vào tháng 7 của các diễn viên Hollywood lo sợ bị thay thế bởi bản sao do AI tạo ra.

ai-la-phuoc-lanh-hay-loi-nguyen-cho-nen-kinh-te.jpg
Học sinh trải nghiệm robot chạy bằng ChatGPT tại trường Pascal ở Nicosia, thủ đô Cộng hòa Síp - Ảnh: Reuters

Công nghệ giúp tăng năng suất lao động ở đâu?

Những lo ngại như vậy không phải là không có cơ sở. Lịch sử cho thấy tác động kinh tế của những tiến bộ công nghệ nói chung là không chắc chắn, bất bình đẳng và đôi khi thậm chí có hại.

Cuốn sách được xuất bản năm nay bởi Simon Johnson và nhà kinh tế Daron Acemoglu cùng trường MIT Sloan, đã khảo sát hàng nghìn năm công nghệ (từ máy cày cho đến các các quầy thanh toán tự động) về góc độ thành công của chúng trong việc tạo ra việc làm và phân phối sự giàu có.

Dù máy kéo sợi Jenny là chìa khóa để tự động hóa ngành dệt may thế kỷ 18, Simon Johnson và Daron Acemoglu nhận thấy nó dẫn đến thời gian làm việc dài hơn trong điều kiện khắc nghiệt hơn. Máy tách hạt bông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng chế độ nô lệ vào thế kỷ 19 ở miền nam nước Mỹ.

Hồ sơ theo dõi internet rất phức tạp. Internet đã tạo ra nhiều vai trò công việc mới ngay cả khi phần lớn tài sản được tạo thuộc về một số ít tỷ phú. Mức tăng năng suất nhờ internet từng được ca ngợi nhưng đã chậm lại ở nhiều nền kinh tế.

Vào tháng 6, nghiên cứu của ngân hàng Natixis (Pháp) cho rằng ngay cả một công nghệ phổ biến như internet vẫn không tác động đến một số lĩnh vực, trong khi nhiều công việc mà internet tạo ra có tính chất đòi hỏi kỹ năng thấp.

"Kết luận: Chúng ta nên thận trọng khi ước tính tác động của AI đến năng suất lao động", Natixis cảnh báo.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, có những lý do khác để nghi ngờ liệu những lợi ích tiềm năng của AI có được cảm nhận một cách đồng đều hay không.

Một mặt, có nguy cơ xảy ra "cuộc đua xuống đáy" khi các chính phủ cạnh tranh để đầu tư vào AI với các quy định ngày càng lỏng lẻo. Mặt khác, các rào cản để thu hút đầu tư đó có thể cao đến mức khiến nhiều nước nghèo hơn bị bỏ lại phía sau.

Stefano Scarpetta, Giám đốc mảng Việc làm, Lao động và Xã hội tại tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (thủ đô Pháp), cho biết: “Bạn phải có cơ sở hạ tầng phù hợp, khả năng tính toán khổng lồ”.

Ông nói: “Chúng ta có quy trình AI Hiroshima của G7. Chúng ta cần tiến xa hơn tới G20 và Liên Hiệp Quốc”, đồng thời ủng hộ việc mở rộng hiệp định tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 ở Nhật Bản để cùng tìm hiểu các cơ hội và thách thức của generative AI.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Quyền lợi lao động

Đổi mới là phần dễ dàng. Điều khó hơn là làm cho nó phù hợp với tất cả mọi người. Đây chính là lúc chính trị xuất hiện.

Với Simon Johnson, sự xuất hiện của đường sắt ở Anh vào thế kỷ 19 vào thời điểm cải cách dân chủ nhanh chóng đã cho phép xã hội rộng lớn hơn hưởng những tiến bộ đó, có thể là thông qua việc vận chuyển thực phẩm tươi nhanh hơn hoặc lần đầu tiên được trải nghiệm du lịch giải trí.

Những cải cách dân chủ tương tự ở nơi khác đã giúp hàng triệu người tận hưởng thành quả của tiến bộ công nghệ trong thế kỷ 20. Thế nhưng, Simon Johnson cho rằng điều này bắt đầu thay đổi với chủ nghĩa tư bản vì cổ đông đặc trưng trong bốn thập kỷ qua.

Ông lập luận rằng việc tự thanh toán tự động là một trường hợp điển hình. Thực phẩm không trở nên rẻ hơn, cuộc sống của người mua sắm không được thay đổi và không có công việc mới nào được tạo ra, chỉ là lợi nhuận thu được từ việc giảm chi phí lao động.

Các nhóm người lao động, vốn đã mất một phần lớn quyền lực mà họ từng có trước những năm 1980, xác định AI là mối đe dọa tiềm ẩn với quyền lợi cũng như việc làm của nhân viên, chẳng hạn như nếu không có sự kiểm soát của con người với các quyết định tuyển dụng và sa thải do AI gợi ý.

Mary Towers, cán bộ chính sách quyền lao động tại Liên đoàn Công đoàn Anh, đã đề cập đến tầm quan trọng của các công đoàn "có quyền tư vấn theo luật, có khả năng thương lượng tập thể về công nghệ tại nơi làm việc".

Đó chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp xác định cách AI định hình đời sống kinh tế của chúng ta, từ các chính sách chống độc quyền nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp AI cho đến việc đào tạo lại lực lượng lao động.

Theo cuộc khảo sát của OECD với khoảng 5.300 công nhân được công bố vào tháng 7, AI có thể mang lại lợi ích về sự hài lòng trong công việc, sức khỏe và tiền lương nhưng cũng gây ra rủi ro xung quanh quyền riêng tư, củng cố những định kiến tại nơi làm việc và đẩy nhân viên làm việc quá sức.

"Câu hỏi đặt ra là liệu AI có làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có hay thực sự có thể giúp chúng ta quay trở lại với điều gì đó công bằng hơn nhiều?", Simon Johnson nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống