Ấn Độ mạnh tay trấn áp các hành vi sử dụng công nghệ Deepfake

 
TIN MỚI

Giới chức Ấn Độ mới đây vừa đưa ra cảnh báo, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ và các nền tảng mạng xã hội triển khai biện pháp ngăn chặn công nghệ Deepfake - kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, nếu không sẽ bị áp đặt các lệnh cấm nghiêm khắc.

Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar tuyên bố, các nội dung sử dụng kỹ thuật Deepfake là bất hợp pháp và nguy hiểm. Đồng thời nhấn mạnh, chính quyền sẽ không chấp nhận việc các công ty cho phép những thông tin bịa đặt, giả mạo lan truyền rộng rãi trong xã hội.

Ông cũng cho biết vào cuối tháng này Ấn Độ sẽ công bố dự thảo một số nội dung sửa đổi trong Luật công nghệ thông tin quốc gia năm 2021 để thiết lập và ban hành các quy định nhằm ngăn chặn Deepfake. Những thay đổi này đã được Ấn Độ tổ chức nhiều cuộc tham vấn giữa các cơ quan chức năng và các công ty công nghệ kể từ tháng 11 năm ngoái.

Ấn Độ mạnh tay trấn áp các hành vi sử dụng công nghệ Deepfake - Ảnh 1.

Cần có giải pháp dành cho những tác hại do công nghệ Deepfake tạo ra - Ảnh minh họa: Analytics Insight

Động thái này được đưa ra sau khi Deepfake gây xôn xao dư luận Ấn Độ, bởi hình ảnh ngôi sao môn cricket Sachin Tendulkar của nước này bị những kẻ lừa đảo dựng thành video giả mạo, sau đó sử dụng chúng để quảng bá một nền tảng cờ bạc trực tuyến.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ đang tới gần, dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 4 năm nay, giới chức Ấn Độ sẽ đưa ra những biện pháp mạnh tay để kiểm soát các thông tin giả mạo nói chung, Deepfake nói riêng nhằm hạn chế tối đa mọi sự can thiệp sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào kết quả bầu cử.

Thuật ngữ Deepfake là từ ghép của hai từ “Deep Learning” và “Fake”, trong đó, deep learning cho phép máy tính tổng hợp các thông tin thông qua việc phân tích và suy luận từ các tập dữ liệu lớn, Fake có nghĩa là giả mạo hoặc làm giả. Deepfake là một kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy, với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách chân thực.

Công nghệ này lần đầu xuất hiện vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành một chủ đề nóng trong cộng đồng công nghệ thông tin. Từ đó đến nay, Deepfake đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh mạng và đời sống cá nhân của con người.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống