Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại TikTok có thể được sử dụng để theo dõi người Mỹ. Vào ngày 23.3 qua, Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok Shou Zi Chew đã trải qua phiên điều trần kéo dài 5 tiếng trước Quốc hội Mỹ.
Theo CNBC, những quan chức Mỹ cho rằng luật pháp Trung Quốc cho phép chính phủ có quyền truy cập vào thông tin cá nhân của người dùng Mỹ thông qua ứng dụng TikTok.
Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến độ nổi tiếng của những ứng dụng Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Theo Insider Intelligence báo cáo dựa trên dữ liệu từ Apptopia, ứng dụng Lemon8 của ByteDance đã đạt 1 triệu lượt tải xuống ở Mỹ sau phiên điều trần của CEO TikTok.
Hai ứng dụng khác là CapCut và TikTok vẫn nắm giữ vị trí cao trên bảng xếp hạng App Store. Trong khi đó, ứng dụng mua sắm Temu của PDD Holdings đứng vị trí thứ hai trên App Store vào tháng 5.2023 hay ứng dụng của thương hiệu thời trang Shein cũng nắm giữ vị trí thứ 14.
Chính phủ Mỹ lo lắng việc liệu các công ty có bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ hay không. Tuy nhiên, TikTok đã nhấn mạnh thông tin người dùng Mỹ chỉ được lưu trữ trên các máy chủ bên ngoài Trung Quốc. Các ứng dụng này thu thập thông tin người dùng để có thể phân tích xu hướng sở thích của họ. Sau đó sử dụng thuật toán để hiển thị các sản phẩm, thông tin, dịch vụ phù hợp với người dùng.
Nhưng các chuyên gia cho biết có những điểm khác biệt quan trọng giữa các ứng dụng này và TikTok khiến mọi người tương đối ít chú ý đến chúng. Trong số những đặc điểm quan trọng nhất đó là quy mô hiện diện ở Mỹ. Theo Apptopia, ứng dụng Lemon8 ước tính có khoảng 1,8 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở Mỹ. Con số này hoàn toàn bị lấn át bởi 150 triệu người dùng của TikTok.
Thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Liên minh Bảo mật của Quỹ Marshall của Đức Lindsay Gorman cho biết một ứng dụng có 1.000 hoặc thậm chí 1 triệu người dùng ở Mỹ không gây ra mối đe dọa an ninh mạng như một ứng dụng có 100 triệu người dùng. Gorman nhận định Mỹ cần phát triển một khuôn khổ để đánh giá rủi ro của các ứng dụng Trung Quốc, bao gồm quy mô, loại ứng dụng, khả năng truyền bá.
Điều đó có nghĩa CapCut có rủi ro thấp hơn, do lượng người dùng ít hơn, đồng thời ứng dụng này chỉ được dùng với mục đích chỉnh sửa video. Đối với các ứng dụng thương mại điện tử, nguy cơ phát tán thông tin sai lệch không cao như trên mạng xã hội.
Nhà phân tích truyền thông xã hội Jasmine Enberg cho biết trong số các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ luôn có Temu, CapCut và Lemon 8, điều này cho thấy nhu cầu sử dụng các ứng dụng của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc vẫn đang tăng, nhưng người dùng thường không quan tâm đến ứng dụng mình truy cập có nguồn gốc từ đâu. Vào tháng 3, ứng dụng mua sắm trực tuyến Pinduoduo đã bị Google đình chỉ trên Play Store vì lo ngại nó chứa mã độc.
Trước những lo ngại về an ninh quốc gia, các nhà lập pháp đã xem xét các đề xuất có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok. Một số người cho rằng giải pháp dài hạn hiệu quả nhất để hạn chế việc sử dụng các ứng dụng Trung Quốc có thể là tạo môi trường cho các ứng dụng thay thế phát triển.
Hiện giờ dự luật nổi bật nhất có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok là Đạo luật Hạn chế. Dự luật này sẽ trao cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ quyền khuyến nghị cấm công nghệ đến từ một số quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người lo ngại dự luật có thể trao cho cơ quan hành pháp quyền hạn để "cấm cửa" một số công nghệ.
Giám đốc điều hành của Proton - công ty tạo ra dịch vụ email và VPN được mã hóa - Andy Yen tỏ ra không đồng tình với dự luật. Mặc dù Yen tin rằng TikTok nên bị cấm ở Mỹ, nhưng anh lo ngại Đạo luật Hạn chế nếu được thông qua có thể kéo theo những hậu quả khó lường. Sự mơ hồ của dự luật có thể ảnh hưởng đến những người sử dụng VPN để truy cập những ứng dụng bị cấm ở Mỹ, Yen chia sẻ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống