Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số, trong đó có ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền và nhu cầu đầu tư tích lũy trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao đưa nhiều người vào bẫy bằng các chiêu thức "việc làm online" hoặc "đầu tư siêu lợi nhuận" tuy cũ nhưng nhiều người cả tin và mất tiền oan.
Kịch bản thường gặp với hình thức lừa đảo này là các đối tượng mạo danh thương hiệu, logo... để tạo lập các trang điện tử, tài khoản Facebook, Telegram, Zalo... Tinh vi hơn, chúng còn sử dụng hình ảnh, video, con dấu, chữ ký và tên tuổi các lãnh đạo, chuyên gia uy tín để tạo ra các hợp đồng, giấy cam kết, công văn… giả mạo, sau đó tiếp cận người dùng bằng những lời mời gọi công việc online hoặc các gói đầu tư cam kết siêu lợi nhuận, rồi lôi kéo họ thực hiện các khoản thanh toán hoặc đầu tư không hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn này, nhiều người đã "sập bẫy" đối tượng xấu với số tiền lớn. Ví dụ vào đầu năm nay, sau khi lặn lội từ quê nhà ở Hải Dương tìm đến trụ sở của một quỹ đầu tư Vinacapital ở TP.HCM để tìm hiểu thông tin, chị Nguyễn Thị L. (sinh năm 1985) mới "té ngửa" biết mình bị lừa, vì ngay cả bản thân quỹ đầu tư trên cũng không hề có chương trình thu hút đầu tư nào. Theo chị L, sau nhiều lần làm theo yêu cầu của các đối tượng để nhận về số tiền trúng thưởng "siêu lớn" mới cho rút tiền, chị đã vay mượn và chuyển cho các đối tượng mỗi lần từ 200 - 300 triệu đồng, với tổng số tiền nộp lên đến gần 2 tỉ đồng.
Cảnh giác chiêu lừa đảo 'đầu tư siêu lợi nhuận', 'làm việc tại nhà'
Đặc biệt, từ đầu tháng 7.2023, một hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ là lôi kéo người dùng thông qua các trang mạng xã hội và gửi link đề nghị người dùng cài đặt ứng dụng mạo danh các cơ quan chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các ngân hàng, quỹ đầu tư, dịch vụ tài chính… Sau khi con mồi cài đặt, chúng sẽ yêu cầu họ cấp quyền Hỗ trợ (Accessibility) cho ứng dụng mạo danh hoặc nạp tiền vào ứng dụng này để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Trong thông báo của mình, Tổng cục Thuế cho biết: "Đối tượng xấu thiết lập và sử dụng tên miền, app giả mạo cơ quan thuế và quảng cáo trên mạng xã hội để lừa đảo việc ủy quyền đóng thuế; mua bán hóa đơn bất hợp pháp… Không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động, đối tượng lừa đảo còn sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập app giả mạo cơ quan thuế".
Cục An toàn thông tin chỉ ra một số đặc điểm nhận diện của website giả mạo lừa người dân cài đặt ứng dụng có mã độc, đó là đối tượng làm giả logo của Chính phủ, giả mạo nút "Cài đặt" để điều hướng nạn nhân sang đường dẫn tải file ".apk" độc hại. Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo cả đánh giá, bình luận review nhận xét tốt về app cài mã độc.
Chiêu thức này đã và đang gây ra hệ lụy lớn, không chỉ ảnh hưởng uy tín của nhiều tổ chức, doanh nghiệp mà còn gây tâm lý hoang mang cho người dùng. Do đó mỗi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo để có ý thức cảnh giác tốt hơn, từ đó mới có thể giảm tình trạng lừa đảo trực tuyến.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống