Đến Việt Nam công tác, giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia Jensen Huang xuống phố ăn phở, uống café với chiếc áo khoác đen quen thuộc.
Cũng giống như cố chủ tịch Apple Steve Jobs – người luôn mặc chiếc áo len cổ lọ khi ra mắt sản phẩm mới – ông Huang có phong cách thời trang giản dị, trái ngược với danh xưng tỷ phú và là nhà lãnh đạo công ty nghìn tỷ USD.
Cả Huang và Jobs có rất nhiều điểm giống nhau. Họ cùng là đồng sáng lập ra các công ty có sức ảnh hưởng nhất thế giới, trong khi tầm nhìn và đóng góp của cả hai đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghệ.
Người đàn ông khoác áo da
Khi dịch bệnh Covid-19 buộc Nvidia phải tổ chức buổi ra mắt sản phẩm lớn qua mạng, giám đốc điều hành Jensen Huang đã quảng cáo sự kiện từ chính căn bếp nhà mình, nơi ông lấy con chip mới nhất của công ty ra khỏi lò nướng.
"Tôi có thứ này cho các bạn chiêm ngưỡng", ông Huang nói trong khi với lấy cái giá đỡ nồi.
"Nó đã nấu được một lúc rồi", ông cho biết, trước khi từ từ nhấc một bảng mạch có kích thước bằng khay nướng bánh ra khỏi lò để giới thiệu chiếc "card đồ họa lớn nhất thế giới".
Màn giới thiệu độc đáo của vị giám đốc điều hành có thói quen mặc áo khoác da màu đen khi ra mắt sản phẩm đã giúp ông trở thành một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong ngành kinh doanh máy tính.
Vào tháng 5 vừa qua, ông đã gia nhập danh sách các giám đốc điều hành công nghệ ưu tú lãnh đạo công ty trị giá nghìn tỷ USD.
Ông Huang, 60 tuổi, là giám đốc điều hành thứ hai ở Mỹ sau Jeff Bezos của Amazon.com, đạt được cột mốc quan trọng như vậy đối với một công ty đồng sáng lập.
Ngoài Huang, có rất ít CEO mang tầm ảnh hưởng lớn và sâu sắc đối với một tập đoàn công nghệ toàn cầu giống như Steve Jobs. Ông Huang thậm chí còn có một hình xăm lấy cảm hứng từ logo của Nvidia trên cánh tay.
Chip Nvidia là trung tâm của các xu hướng công nghệ lớn, từ trò chơi điện tử đến ô tô tự lái, điện toán đám mây và giờ đây là AI – trí tuệ nhân tạo.
Với sự bùng nổ của AI thời gian qua, cổ phiếu của công ty đã tăng giá nhờ doanh số vượt trội.
Kể từ khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào ngày 30/11/2022, giá trị của Nvidia đã tăng vọt từ khoảng 420 tỷ USD lên mức nghìn tỷ USD hiện tại. Tính đến đầu tháng 12/2023, giá trị tài sản ròng của Huang là khoảng 42 tỷ USD.
Thành công của ông Huang một phần xuất phát từ mong muốn giải quyết các vấn đề hóc búa của khoa học máy tính bằng sự kết hợp giữa phần mềm và phần cứng – một tầm nhìn mà ông đã mất ba thập kỷ để hoàn thiện.
Người đàn ông AI
Sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc), ông Huang chuyển đến Mỹ khi còn nhỏ, sau đó lấy bằng kỹ sư tại Đại học bang Oregon và Đại học Stanford.
Năm 1993, khi 30 tuổi, ông thành lập Nvidia cùng với Curtis Priem và Chris Malachowsky, nhận được sự ủng hộ từ Sequoia Capital của Thung lũng Silicon và những công ty khác.
Thành công lớn đầu tiên của công ty là sự ra đời của những con chip chuyên dụng hỗ trợ đồ họa chuyển động cường độ cao cho các trò chơi máy tính, thứ mà ngày nay được gọi là bộ xử lý đồ họa. Nhưng ở thời điểm ấy, Huang không nghĩ Nvidia chỉ là một công ty sản xuất chip.
"Đồ họa máy tính là một trong những phần phức tạp nhất của khoa học máy tính", ông nói với khán giả ở Thung lũng Silicon vào năm 2021 khi nhận được giải thưởng thành tựu trọn đời. "Bạn phải am tường rõ mọi thứ".
Vào giữa những năm 2000, Huang và nhóm của ông nhận ra chip của Nvidia có thể được sử dụng cho các vấn đề điện toán tổng quát hơn và phát hành một nền tảng có tên CUDA để cho phép các nhà phát triển phần mềm thuộc mọi lĩnh vực lập trình chip Nvidia.
Điều này đã khởi đầu một xu hướng ứng dụng mới, bao gồm cả tiền điện tử.
Huang nhận ra rằng các phòng thí nghiệm của trường đại học đang sử dụng chip của ông để nghiên cứu về AI, một lĩnh vực khoa học máy tính hứa hẹn cung cấp sức mạnh cho mọi thứ, từ trợ lý ảo đến xe tự lái. Ông đã phát hành một loạt chip dành cho AI và màn cược đã được đền đáp.
Nvidia cũng tạo sự khác biệt bằng cách gia công sản xuất chip cho các đối tác bao gồm TSMC, đi ngược lại mô hình do Intel đặt ra, hiện có giá trị chỉ bằng một phần giá trị của Nvidia –ở mức dưới 1 nghìn tỷ USD.
"Ông ấy đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng cho phép điện thoại tự trả lời các câu hỏi, trang trại phun thuốc biết phân biệt cỏ và cây trồng, bác sĩ dự đoán đặc tính của các loại thuốc mới – và nhiều điều kỳ diệu sắp tới", doanh nhân AI Andrew Ng viết về Huang trên tạp chí Time, sau khi lãnh đạo Nvidia được vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất vào năm 2021.
Tiềm năng công nghệ ở Đông Nam Á và Việt Nam
Với chuyến đi đến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng lần này, CEO Nvidia nhìn thấy tiềm năng khu vực sẽ trở thành thị trường AI của tương lai.
"Tôi rất tin tưởng vào Đông Nam Á", Nikkei Asia dẫn lời Huang nói với các phóng viên ở Kuala Lumpur.
Ông cho biết, Đông Nam Á "sẽ là địa điểm công nghệ rất quan trọng. Đây là khu vực có năng lực khá xuất sắc trong khâu đóng gói, lắp ráp, sản xuất pin và rất giỏi ở nhiều khía cạnh của chuỗi cung ứng công nghệ".
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang có cuộc gặp thảo luận hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc ngày 11/12.
Ông cũng sẽ gặp lãnh đạo một số Bộ, thành phố và khu công nghệ cao tại đây. Theo Reuters, Nvidia dự kiến đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ với ít nhất một công ty Việt Nam.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc với một số tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Nvidia tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà tập đoàn có thế mạnh và Việt Nam cũng đang dành ưu tiên cao.
Thủ tướng cũng đề xuất Nvidia góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cũng như mong muốn Nvidia sớm đặt nhà máy sản xuất, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại Đông Nam Á.
Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng, CEO Nvidia đánh giá Việt Nam đang có những chuyển biến lớn, đồng thời kỳ vọng tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, đánh giá Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn trong khu vực.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống